'Cơ hội vàng' xúc tiến cá basa và thanh long vào Pakistan

Thương Mại Pakistan
15:56 - 07/09/2022
Khu trưng bày mặt hàng thanh long Việt Nam tại buổi lễ. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Pakistan
Khu trưng bày mặt hàng thanh long Việt Nam tại buổi lễ. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Pakistan
0:00 / 0:00
0:00
Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Thị Điệp Hà cho biết đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm phi lê cá basa và thanh long Việt tại Pakistan, trong bối cảnh cá basa đang mất dần vị thế và thanh long còn xa lạ với người tiêu dùng.

Trao đổi với Mekong ASEAN, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Thị Điệp Hà cho biết, thực hiện chỉ thị của Bộ Công Thương, ngày 2/9 vừa qua Thương vụ đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan tổ chức hoạt động quảng bá sản phẩm phi lê cá basa và thanh long Việt Nam tại Lễ chiêu đãi kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam lần thứ 77.

Khu trưng bày sản phẩm phi-lê cá basa và thanh long tại Lễ chiêu đãi kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam lần thứ 77. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Pakistan

Khu trưng bày sản phẩm phi-lê cá basa và thanh long tại Lễ chiêu đãi kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam lần thứ 77. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Pakistan

Việc đưa sản phẩm phi lê cá basa và thanh long vào sự kiện này có ý nghĩa rất lớn trong việc xúc tiến vào thị trường Pakistan, khi có thể tiếp cận với các đối tượng là quan chức Chính phủ Pakistan, lãnh đạo các phòng thương mại và hiệp hội, lãnh đạo các doanh nghiệp.

"Các đối tượng tham gia đều có sức ảnh hưởng lớn đến chính sách của chính phủ Pakistan và dư luận xã hội, đồng thời có sức lan tỏa thông tin rất lớn. Có thể nói, đây là cơ hội vàng cho các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm”, bà Hà nói thêm.

Mặt khác, các sản phẩm được mang đến đây đều đạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP.. và được xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Anh... Từ đó có thể khẳng định chất lượng phi-lê basa của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế, tạo dư luận tích cực cho sản phẩm trong bối cảnh mặt hàng này đang mất uy tín ở Pakistan.

Đối với sản phẩm thanh long, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ tập trung vào việc giới thiệu cho người tiêu dùng Pakistan giá trị dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe của trái thanh long Việt Nam trái ngược với hình thức bề ngoài khác lạ của nó, tạo ra nhu cầu cho sản phẩm.

Lấy lại vị thế cho cá basa Việt tại Pakistan

Nói về mặt hàng phi lê cá basa, bà Hà chia sẻ, sản phẩm này của Việt Nam đã từng có giai đoạn thành công lớn tại Pakistan do chất lượng cao và giá cả tốt.

Dù người Pakistan không có nhu cầu lớn về thủy sản nhưng do đặc thù của cá basa (dinh dưỡng cao, không mùi tanh…), phù hợp với tất cả các hoạt động ẩm thực của Pakistan, cho nên mặt hàng thực phẩm này vẫn được đón nhận và ưa chuộng, tạo tiền để để xúc tiến thương mại.

Nhờ các yếu tố trên, chỉ trong một vài năm, cá basa Việt đã chính thức chiếm lĩnh thị trường Pakistan với gần như 100% thị phần. Nếu như năm 2010 cá basa của Việt Nam tại thị trường này mới chỉ đạt 211 tấn thì đến năm 2015 đã đạt 352 tấn, tương ứng tăng 66%.

Bước sang năm 2016, xuất khẩu cá basa của Việt Nam sang Pakistan đã tăng trưởng thần tốc với mức tăng trưởng 998%, đạt 3.862 tấn và đạt đỉnh 8.300 tấn vào năm 2017, tương ứng chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Pakistan. Thời điểm đó, mặt hàng phi-lê cá basa trở thành một trong ba mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Pakistan (sau chè và điện thoại di động).

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của mặt hàng này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu không còn tập trung vào chất lượng sản phẩm, thay vào đó chạy đua số lượng với tình trạng “tranh mua tại Việt Nam” và “tranh bán tại Pakistan”.

Hậu quả, tháng 12/2017, Sở vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Punjab (Pakistan) đã ra lệnh cấm sử dụng và buôn bán sản phẩm phi lê cá basa Việt. Lệnh cấm này đã tác động rất lớn đến thương hiệu cá basa của Việt Nam, khiến kim ngạch xuất khẩu các năm sau đều sụt giảm.

Sau sự kiện tháng 12/2017, xuất khẩu cá basa của Việt Nam sang quốc gia này chỉ còn 4.555 tấn vào năm 2018, tương ứng giảm 44%. Kim ngạch các năm sau liên tục ghi nhận giảm, cụ thể giảm 14% vào năm 2019, đạt 3.902 tấn; giảm 40% vào năm 2020, đạt 2.342 tấn; giảm 16% năm 2021, đạt 1.975 tấn.

Trước tình hình trên, phía Thương vụ đã tích cực phối hợp với các bên liên quan để gỡ thế khó cho cá basa cũng như xây dựng lại hình ảnh cho mặt hàng này. Trong đó, hoạt động quảng bá, giới thiệu tại các sự kiện lớn đặc biệt được chú trọng.

Đưa trái thanh long vào thị trường triệu dân Nam Á

Ngoài cá ba sa, trong số nhiều mặt hàng trái cây tại Việt Nam, thanh long là mặt hàng được Thương vụ lựa chọn để mang đi quảng bá tới các vị khách VIP tại buổi lễ. Trước đó, trước tình hình xuất khẩu trái thanh long gặp thế khó tại Trung Quốc, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho Thương vụ Pakistan tìm kiếm thị trường mới cho mặt hàng này. Chính vì vậy, nhân dịp Lễ chiêu đãi, phía Thương vụ đã tiến hành giới thiệu trái thanh long đến với các quan khách Pakistan.

“Nhiệm vụ chính trị này rất phù hợp với sức mạnh thương mại của sản phẩm thanh long khi đây vốn là mặt hàng trái cây xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Việc quảng bá thanh long tại buổi lễ sẽ là bước đầu thâm nhập vào thị trường nhỏ bé và khó khăn như thị trường Pakistan”, bà Hà.

Khách tham quan thưởng thức sản phẩm thanh long Việt Nam. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Pakistan

Khách tham quan thưởng thức sản phẩm thanh long Việt Nam. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Pakistan

Theo bà Hà, hiện trái thanh long vẫn còn là một mặt xa lạ đối với người tiêu dùng Pakistan. Từ năm 2010, sản phẩm thanh long Thái Lan đã được giới thiệu tại một số siêu thị cao cấp tại đây nhưng do hình thức khác lạ nên không được người dân ưa chuộng.

Cùng chung số phận, năm 2021 Việt Nam đã đưa mặt hàng thanh long Bình Thuận vào các siêu thị nhưng cũng không thành công. Tuy nhiên, khác với Thái Lan, nguyên nhân chính khiến thanh long Việt chưa thực sự tạo nên đột phá do giá bán lẻ quá cao (chủ yếu giá bị "đội" lên vì chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cao).

Bà Hà cho rằng, nếu có thể hạ giá bán lẻ xuống một mức, phù hợp với sức mua của thị trường. Bên cạnh đó, nếu chú trọng vào hoạt động quảng bá, tạo nhu cầu tiêu dùng thì Pakistan sẽ trở thành một thị trường tiềm năng đối với mặt hàng thanh long Việt.

Thương vụ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá trong thời gian tới

Thời gian qua và trong thời gian tới, bà Hà cho biết phía Thương vụ đã đề ra các kế hoạch nhằm thúc đẩy các sản phẩm cá basa và thanh long tại Pakistan.

Đối với mặt hàng phi lê cá basa, Thương vụ sẽ tăng cường tổ chức hoạt động quảng bá, đẩy mạnh vấn đề truyền thông về chất lượng của cá basa Việt. Qua đó tạo dựng lại dư luận tích cực trong người tiêu dùng Pakistan đối với sản phẩm này.

Mặt khác, phía Thương vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Nhập khẩu Thủy sản Pakistan (PSIA) nhằm tháo gỡ vướng mắc, tranh chấp trong hoạt động xuất khẩu.

Đối với mặt hàng thanh long, hiện Thương vụ đã tiếp cận và làm việc với các đầu mối nhập khẩu để cung cấp cho siêu thị Pakistan. Bà Hà cũng cho biết, Thương vụ cũng đã làm việc với Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận và Hiệp hội Xuất khẩu Thanh long Việt Nam để kết nối tổ chức nhập khẩu thanh long số lượng lớn trực tiếp từ Việt Nam sang Pakistan bằng đường biển.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang gặp khó khăn khi các đầu mối nhập khẩu Pakistan và các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam còn e ngại. Do đó, Thương vụ Việt Nam đang trao đổi với 2 siêu thị Fresh Baskets và Carrefour về việc tổ chức hoạt động quảng bá sản phẩm thanh long tại Pakistan.

Tin liên quan

Đọc tiếp