Coca-Cola đặt mục tiêu tái chế 25% bao bì trên toàn cầu

môi trường THẾ GIỚI
11:46 - 11/02/2022
Quầy hàng Coca-Cola tại siêu thị. Ảnh: AP
Quầy hàng Coca-Cola tại siêu thị. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 10/2, nhà sản xuất nước giải khát Coca-Cola cho biết sẽ đặt mục tiêu 25% bao bì trên toàn cầu có thể tái sử dụng vào năm 2030, một động thái được các nhóm môi trường ca ngợi trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa thế giới.

Theo bảng hướng dẫn tái sử dụng của tổ chức phi lợi nhuận Ellen MacArthur, bao bì có thể tái sử dụng bao gồm các vật dụng dùng để chứa mà có thể được dùng để đổ đầy lại bằng chính sản phẩm đó. Các sản phẩm này có thể là hộp đựng đồ uống có thể dùng lại ở nơi cung cấp nước uống, chai thủy tinh và chai nhựa có thể đổ lại hoặc trả lại.

Giám đốc quỹ Green Century Capital Management nhận định, những nỗ lực của Coca-Cola hôm 10/2 là mục tiêu được biết đến rộng rãi đầu tiên của ngành và đồng thời cũng là một sự thay đổi chiến lược đáng hoan nghênh.

Trước đó cùng với nhà hoạt động đầu tư As You Sow, Green Century đã đệ trình lên các cổ đông nhằm kêu gọi Coca-Cola cắt giảm lượng nhựa sử dụng một lần của mình. Tuy nhiên sau thông báo này, các tổ chức này đang cân nhắc về vấn đề rút lại đề xuất của mình.

Vào năm 2020, Coca-Cola cũng đã đạt được 16% bao bì tái sử dụng. Trong cùng năm, có tới 90% đồ đựng bằng thủy tinh và nhựa có thể đổ lại được của tập đoàn đã được thu gom.

Theo Giám đốc điều hành James Quincey của Coca-Cola, nếu tập đoàn thành công với các mục tiêu đề ra của mình, việc đạt được một thế giới không rác thải sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Với mục tiêu đó, Coca-Cola có dự định thu hồi một chai hoặc một lon cho mỗi sản phẩm bán được vào năm 2030.

Emma Priestland, điều phối viên chiến dịch doanh nghiệp toàn cầu của tổ chức Break Free From Plastic nhận định: “Chúng tôi hy vọng rằng các công ty khác sẽ làm theo sự lãnh đạo của Coca-Cola và đặt ra các mục tiêu về bao bì có thể tái sử dụng”,

Coca-Cola – nhà sản xuất đồ uống lớn nhất trên thế giới – đang là mối lo ngại hàng đầu của người tiêu dùng, các nhà đầu tư và các nhóm hoạt động vì môi trường về vấn đề rác thải nhựa dùng một lần được làm từ dầu mỏ làm tắc nghẽn các đại dương. Cứ 10 người Mỹ trưởng thành thì có 8 người ủng hộ các chính sách của chính phủ nhằm giảm lượng nhựa sử dụng một lần là kết quả của một cuộc khảo sát do nhóm vận động Oceana công bố hôm 9/2.

Theo báo cáo thường niên của liên minh toàn cầu Break Free From Plastic hồi tháng 10, nhà sản xuất này tiếp tục là công ty gây ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới trong năm thứ 4 liên tiếp vào năm 2021.

Break Free From Plastic cũng đã đứng ra tổ chức các chiến dịch làm sạch các bãi biển trên 45 quốc gia khác nhau và tại đây, những người tham gia tìm được hơn 20.000 sản phẩm mang nhãn hiệu Coca-Cola. Lượng rác thải nhựa của tập đoàn này nhiều hơn của bất kì nhãn hiệu nào trên thế giới và nhiều hơn cả hai nhãn hàng xếp sau cộng lại. Lần lượt đứng ở các vị trí tiếp theo trong danh sách là nhà sản xuất nước giải khát Pepsi và nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng Unilever.

Mặt khác, Coca-Cola, Pepsi và các thương hiệu quốc tế khác vào tháng 1 đã kêu gọi một hiệp ước toàn cầu nhằm thúc đẩy cắt giảm sản xuất nhựa, một lĩnh vực tăng trưởng quan trọng của ngành công nghiệp dầu mỏ.

Đọc tiếp