Còn lúng túng trong phát triển quy hoạch đô thị cấp tỉnh

QUY HOẠCH đô thị
11:22 - 17/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Để thực hiện quy hoạch, các tỉnh, thành phố phải bám sát vào các văn bản luật cùng quy hoạch cấp quốc gia. Tuy nhiên, do sự chồng chéo trong luật cũng như chưa có quy hoạch tổng thể, dẫn đến tình trạng lúng túng trong lập quy hoạch địa phương hiện nay.

Tại Hội thảo chuyên đề Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững được tổ chức chiều ngày 16/11, nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc lập quy hoạch với quá trình đô thị hóa, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết:

"Để quá trình đô thị hóa ngày càng phát triển, yếu tố quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho quá trình này. Đồng bộ quá trình quy hoạch và quản lý đô thị với các quá trình quản lý xã hội. Trong quy hoạch phải xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, quy hoạch treo, lợi ích nhóm".

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển. Ảnh: Tuấn Đông

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển. Ảnh: Tuấn Đông

"Bên cạnh đó, quy hoạch phải đảm bảo tính độc lập, dài hạn, thống nhất, đồng bộ và phù hợp với các quy hoạch khác như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng...", Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đánh giá chất lượng đồ án quy hoạch đô thị địa phương còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn. Việc chưa ban hành Quy hoạch tổng thể Quốc gia, các quy hoạch cấp trên, trong khi hiện nay các tỉnh đồng loạt triển khai lập Quy hoạch tỉnh đã làm ảnh hưởng đến nội dung Quy hoạch tỉnh khi được phê duyệt và triển khai trong quá trình thực hiện.

Các tỉnh còn lúng túng trong lập quy hoạch

Từ thực tế hỗ trợ, tư vấn các tỉnh khi lập quy hoạch, ông Dương Tiến Dũng – Giảng viên Khoa quy hoạch, Đại học Kiến trúc cho biết: "Công tác lập quy hoạch thực hiện theo Luật quy hoạch có một số vấn đề về quy hoạch tỉnh. Cụ thể, khi làm đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết phải cập nhật các dự án có trong đó, nhiều dự án đã được cấp phép nhưng treo 5-10 năm chưa được thực hiện".

Ông Dương Tiến Dũng – Giảng viên Khoa quy hoạch, Đại học Kiến trúc. Ảnh: Thảo Ngân

Ông Dương Tiến Dũng – Giảng viên Khoa quy hoạch, Đại học Kiến trúc. Ảnh: Thảo Ngân

"Hay một số tỉnh đã đưa ra nhu cầu sử dụng đất quá lớn và tăng trưởng dân số quá cao dẫn đến các vấn đề nảy sinh như dân số tăng gấp đôi so với hiện trạng, con số này còn lớn hơn cả HN và TP HCM. Khiến đơn vị tư vấn khó phân bổ nguồn lực đất đai khi quy hoạch", ông Dũng nói thêm.

Nêu ra một thực trạng chung trong quy hoạch đô thị tại các địa phương hiện nay, ông Ngô Trung Hải, Nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cũng đánh giá các tỉnh vẫn còn đang rất lúng túng trong việc lập quy hoạch. Theo ông, quy hoạch tỉnh đang giống như một quy hoạch vùng nhưng y hệt quy hoạch chung lại lấn sang cả quy hoạch phân khu.

Ông Hải lấy ví dụ về quy hoạch tỉnh đầu tiên được duyệt là quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên hiện nay, quy hoạch này đang gặp một số vấn đề do chính quyền đang loay hoay bởi nhiều dự án không có tên trong quy hoạch thì không thể triển khai được.

Từ thực tế của tỉnh, ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang trình bày: "Bắc Giang là tỉnh đầu tiên được phê duyệt quy hoạch tỉnh và quá trình lập quy hoạch cũng gặp rất nhiều vướng mắc cần trao đổi, tuy nhiên tháo gỡ chưa được hết. Do đây cũng là lần đầu tiên nên phương pháp và cách thức lập vẫn chưa hoàn thiện".

Ông Nghĩa cho biết thêm, hiện Bắc Giang đang có 1.000 đồ án, 1.000 khu vực sai với đồ án quy hoạch tỉnh. Có những đồ án đã thực hiện, có dân cư nhưng đề án lại thể hiện là đất lúa dẫn đến việc khi thẩm định lại vi phạm đồ án quy hoạch tỉnh và không thực hiện được. Điều này khiến tỉnh Bắc Giang gặp khó khăn trong triển khai quy hoạch.

Ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Tuấn Đông.

Ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Tuấn Đông.

"Trong quá trình lập quy hoạch, tỉnh vướng nhất ở khâu lập bản đồ. Theo quy định là phải lập bản đồ hoạch định chức năng nhưng khi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại yêu cầu lập bản đồ là phải theo Thông tư 12/2020/TT-BTNMT về lập bản đồ", ông Nghĩa trăn trở.

Để giải quyết vấn đề trên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đã có văn bản đề nghị tháo gỡ từ phía Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài nguyên Môi trường và đã nhận được văn bản dự thảo trả lời từ bộ. Tuy nhiên Bắc Giang vẫn chưa dám thực hiện một số điều nêu trong Luật do chưa có quyết định rõ ràng.

Đề nghị các giải pháp gỡ khó cho các địa phương trong việc lập quy hoạch tỉnh, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển kiến nghị các Bộ, ban ngành cần sự phối hợp với nhau để có sự thống nhất giữa các Luật trong quy hoạch. Các địa phương cần mạnh dạn đưa ra các đề xuất, kiến nghị để Nhà nước có thêm căn cứ điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Thảo Ngân

Nhà trong ngõ tại Hà Nội tăng giá

Trong bản tin thị trường bất động sản nửa đầu tháng 4 do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố, bất động sản nhà riêng trong ngõ tại trung tâm Thủ đô liên tục ghi nhận mức giá tăng.