Công ty chứng khoán đầu tiên tham gia xếp hạng tín nhiệm

MBS CHỨNG KHOÁN
10:58 - 11/05/2022
Công ty chứng khoán đầu tiên tham gia xếp hạng tín nhiệm
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Chứng khoán MB (MBS) là doanh nghiệp chứng khoán đầu tiên tham gia xếp hạng tín nhiệm bởi FiinRatings, trong đó MBS được xếp hạng tín nhiệm dài hạn là Nhà phát hành lần đầu đối ở mức A với triển vọng "Ổn định". 

Theo kết quả đánh giá của FiinRatings, xếp hạng của MBS là kết quả tốt đối với một công ty chứng khoán Việt Nam. Cụ thể đánh giá như sau:

FiinRatings đánh giá MBS có tầm quan trọng chiến lược đối với Ngân hàng mẹ MBBank, vốn là một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam bao gồm những hỗ trợ mang tính hệ thống, quản trị và hợp tác kinh tế mà hai bên đang triển khai. Trong đó, MBS là đơn vị nắm giữ phần lớn cổ phần Công ty kể từ khi thành lập vào năm 2000 với tỷ lệ sở hữu tại ngày 31/12/2021 là 79,4%.

Vị thế kinh doanh của MBS ở mức “Phù hợp”, Công ty duy trì vị trí top 10 về thị phần môi giới chứng khoán trong những năm gần đây, sở hữu tập khách hàng trung thành và cung cấp đa dạng các sản phẩm qua nhiều kênh phân phối.

Trong 5 năm qua, 60% cơ cấu doanh thu tập trung vào các hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ, là các hoạt động có tính rủi ro thấp hơn hoạt động tự doanh. Nếu tính riêng năm 2021, con số này lên tới 72%, so với mức trung bình ngành là 47%.

Khả năng sinh lời của MBS tương đương với các công ty cùng ngành, trong khi đó vốn chủ sở hữu có sự tăng chậm hơn so với quy mô kinh doanh của công ty: Cụ thể, MBS có kết quả hoạt động kinh doanh tương đối tốt trong giai đoạn 2018-2020, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) dao động trong khoảng 13-15% trong giai đoạn này so với mức 10-14% của ngành.

Mức ROE của MBS đạt 21,4% trong năm 2021, cao hơn một vài công ty có thị phần thuộc top 10 trong ngành, nhưng xấp xỉ mức trung bình ngành trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ. FiinRatings nhận định đó là do Công ty đã thực hiện chiến lược tăng trưởng tương đối thận trọng.

MBS không ưu tiên chiến lược cạnh tranh bằng phí giao dịch mà tập trung gia tăng chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng và không gây ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận. Ngoài ra, với việc MBS không tập trung vào mảng tự doanh, có khẩu vị rủi ro tương đối an toàn và có chính sách rủi ro thận trọng nên FiinRatings đánh giá MBS có đủ điều kiện để duy trì và thậm chí cải thiện khả năng sinh lời trong điều kiện thị trường thuận lợi.

Hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả với khẩu vị rủi ro tương đối an toàn: Theo đánh giá của FiinRatings, MBS đã thiết lập khung quản trị rủi ro tương đối toàn diện và hiệu quả. Công ty không phát sinh nợ xấu liên quan đến hoạt động cho vay ký quỹ trong 8 năm liên tiếp kể từ sau tái cấu trúc vào năm 2013 nhờ áp dụng các chính sách quản trị rủi ro thận trọng và đưa vào vận hành hệ thống giải chấp tự động có thể thực hiện được đồng thời khối lượng lớn giao dịch. Sau quá trình tái cấu trúc, MBS và MBBank đã chú trọng xây dựng lại hệ thống quản trị rủi ro của Công ty để sẵn sàng ứng phó với các rủi ro có thể phát sinh.

Ngoài ra, theo đánh giá của FiinRatings, khẩu vị rủi ro của MBS ở mức tương đối an toàn so với các công ty cùng ngành do không đẩy mạnh hoạt động tự doanh (chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu trong năm 2021). Trong đó, chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu chính phủ chiếm phần lớn danh mục đầu tư của MBS. Hệ thống quản trị rủi ro toàn diện sẽ giúp MBS mở rộng quy mô kinh doanh theo kế hoạch mà không ảnh hưởng đến hồ sơ rủi ro của công ty.

Việc đa dạng hóa trong huy động vốn giúp MBS tăng độ linh hoạt trong quản lý nguồn vốn và duy trì mức thanh khoản phù hợp: Dựa trên phân tích của FiinRatings về dòng tiền của MBS, công ty này có khả năng duy trì thanh khoản ở mức phù hợp, với các nguồn thanh khoản duy trì ở mức 1,2 đến 1,3 lần so với mức sử dụng thanh khoản của công ty trong 12 tháng tới.

Ngoài ra, FiinRatings nhận định, nếu khai thác thành công tập khách hàng nội bộ từ ngân hàng mẹ, MBS sẽ có khả năng cải thiện vị thế của công ty để vươn lên để cải thiện thị phần và hiệu quả so với bình quân của ngành hiện nay.

Bên cạnh đó, MBS vẫn còn một vài hạn chế như quy mô vốn hiện tại khiêm tốn, cùng với việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức tương đối cao có thể làm gia tăng rủi ro, khi thị trường có những diễn biến không thuận lợi như trong thời gian gần đây nếu tiếp tục kéo dài hoặc ở tình huống xấu hơn. Trên thực tế, MBS sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2022 để cải thiện các khuyến nghị theo tư vấn của FiinRatings.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, CTCP Chứng khoán MB ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 610 tỷ đồng tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu môi giới cũng tăng 59%, lên 255,6 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tư vấn tăng mạnh 250%, lên mức 22,5 tỷ đồng.

Lũy kế cả quý, MBS báo lãi sau thuế hơn 200 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Đây là con số lợi nhuận kỷ lục của MBS đạt được tính theo quý.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu của Công ty đạt hơn 210 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản của MBS tới cuối quý 1/2022 đạt 12.370 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Dư nợ cho vay gần 7.600 tỷ đồng, tăng 6%. Tỷ trọng nợ phải trả duy trì ở mức 70%.

Lượng tiền mặt cũng tăng mạnh so với đầu năm lên mức 218,6 tỷ đồng, tăng 85%.

Danh mục tài sản FVTPL giảm 35% so với đầu năm, còn gần 1.120 tỷ đồng. Trong đó, danh mục FVTPL tập trung vào trái phiếu niêm yết và chứng chỉ tiền gửi với giá trị lần lượt là 415 tỷ đồng và 510 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý I/2022, MBS đang nắm hơn 1.280 tỷ đồng trái phiếu.

Đọc tiếp