COP26 đạt thỏa thuận khí hậu không như kỳ vọng

môi trường THẾ GIỚI
18:43 - 14/11/2021
0:00 / 0:00
0:00
197 quốc gia thành viên của Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris hôm nay đã đạt được cam kết lịch sử tại COP26 tại Glasgow về việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và giảm dần điện than nhưng vẫn kém xa so với kỳ vọng.

Các nhà khoa học tính toán rằng, với những nội dung về nhiên liệu hóa thạch và điện than đạt được trong Hiệp ước Glasgow sẽ khiến Trái Đất ấm lên 2,4 độ C trong thế kỷ này. Đây được cho là kết quả tích cực vì đã tốt hơn một chút so với mức 2,7 độ C được dự đoán trước khi COP26 diễn ra. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng khá xa so với mục tiêu chung chỉ là 1,5 độ C, do đó vẫn gây ra những biến đổi khí hậu cực đoan.

Chính vì vậy cuộc đàm phán về khí hậu của thế giới sẽ vẫn phải tiếp tục vào năm sau tại tại Ai Cập, trong đó các nước xem xét lại quy hoạch quốc gia để cắt giảm khí nhà kính nhiều hơn nữa. Tiến trình này được dự đoán sẽ không hề đơn giản vì ngay cả cam kết giữ mức tăng 2,4 độ C nói trên các nước chỉ đạt được sau khi cuộc đàm phán phải kéo dài quá hạn chót 24 tiếng.

Cuộc đàm phán COP26 tại Glasgow. Ảnh: Politico

Cuộc đàm phán COP26 tại Glasgow. Ảnh: Politico

Chưa thể loại bỏ than

Một trong những bất đồng lớn nhất giữa các nước trong các giờ đàm phán cuối cùng tại COP26 là vấn đề giải quyết điện than. Gần 200 quốc gia đã không thể đồng ý cùng “loại bỏ hoàn toàn điện than” và cuối cùng buộc phải hạ mức độ thành “giảm dần điện than”.

Tuy thế giới vẫn chưa thể thống nhất loại bỏ điện than gây ô nhiễm môi trường như kỳ vọng, nhưng kết quả COP26 vẫn mang tính lịch sử vì lần đầu tiên trong suốt 26 năm đàm phán về khí hậu tại Liên Hợp Quốc các nước mới có thể đề cập đích danh đến than và vấn đề trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Bên cạnh đó, cuộc đàm phán về khí hậu tại Glasgow (Scotland) cũng dọn đường giải quyết các vấn đề kỹ thuật từng cản trở việc thực thi những điều khoản của Hiệp định Paris. Đặc biệt là việc mua bán phát thải carbon và sự minh bạch trong việc giám sát và báo cáo lượng phát thải của các nước.

Thế giới vẫn đứng bên bờ vực

Do kém xa mức kỳ vọng giảm mức tăng nhiệt độ xuống 1,5 độ C, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng sau COP26 Trái Đất “vẫn đứng bên bờ vực thảm họa và đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc”. Ông hoan nghênh các tiến triển tại Glasgow nhưng nhấn mạnh kết quả đàm phán lần này là "chưa đủ".

Phản ứng về kết quả của COP26 nhìn chung đều tỏ ý hoan nghênh dù không đạt được kết quả mong muốn. Ủy ban Châu Âu (EC) lên tiếng ca ngợi kết quả đàm phán tại Glasgow vì đã hoàn thiện hơn bộ quy định của Hiệp định Paris cũng như giữ cho các mục tiêu trong hiệp định này tồn tại.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma thì đánh giá việc các nước cam kết giữ Trái Đất ấm lên 2,4 độ C trong thế kỷ này cũng khiến cho mục tiêu chung 1,5 độ C “vẫn còn nằm trong tầm với” của con người. Do đó ông coi những gì đạt được tại COP26 mang tính lịch sử.

Giám đốc tổ chức môi trường Greenpeace Jennifer Morgan cho rằng dù mức độ giải quyết than đá bị thay đổi về mặt từ ngữ, nhưng COP26 vẫn đưa ra được tín hiệu cụ thể về sự chấm dứt sử dụng than đá trong tương lai.

Tin liên quan

Đọc tiếp