'Cốt lõi của phòng chống thiên tai là để ngư dân mạnh mẽ hơn'

Ngư dân Miền trung
12:12 - 06/02/2023
Tàu cá neo ở cảng Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) để tránh trú bão.
Tàu cá neo ở cảng Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) để tránh trú bão.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định giá trị cốt lõi của công tác phòng chống thiên tai, phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới phải xuất phát từ sức bật của người ngư dân, làm sao để họ trở nên mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổ chức ngày 5/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, “an cư lạc nghiệp” là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Do đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cùng các đối tác quốc tế, các tổ chức hoạt động cộng đồng tích cực triển khai các giải pháp căn cơ. Hiện đã có nhiều dự án được đánh giá hiệu quả, dần chuẩn hoá theo hướng chuyên nghiệp hơn các dự án cộng đồng như Nhà Thoát lũ, Làng An toàn, sổ tay minh hoạ, hướng dẫn phương án ứng phó thiên tai.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, công tác phòng chống thiên tai thời gian tới sẽ thay đổi theo hướng quản lý, giảm thiểu rủi ro, chủ động thích ứng dựa vào năng lực cộng đồng, phát huy tri thức bản địa.

Giá trị cốt lõi của cách thức tiếp cận dựa trên năng lực cộng đồng đến từ câu chuyện kiên cường về sức bật của người dân sau mỗi trận bão lũ. Sức bật kiên cường, không chỉ hồi phục trở lại, mà hồi phục để trở nên mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn.

Trong khi đó, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tầm nhìn quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, trong thế kỷ của biển và đại dương. Để thực hoá mục tiêu con người là trung tâm trong mọi chiến lược phát triển, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, người nông dân, ngư dân cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững. Dù là khai thác, nuôi trồng hay bảo tồn biển, thì ngư dân luôn là lực lượng tham gia đông đảo nhất.

"Mỗi con tàu ra khơi đều được cấp số hiệu để giám sát hành trình, nhưng chúng ta có thể sâu sát từng ‘số phận’ những ngư dân trên con tàu ấy không? Mỗi chuyến tàu cập bến có thể ‘cân đong’ được lượng thuỷ sản trong khoang, nhưng chúng ta có thể cân đo được gia cảnh từng ngư dân không? Mỗi bến cảng có thể đầu tư ‘nâng cấp’, nhưng chúng ta có thể ‘nâng đỡ’ cuộc đời những con người suốt đời gắn bó với bến cảng, với biển khơi không”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Với những trăn trở trên, theo Bộ trưởng NN&PTNT, thời gian qua, ngành thuỷ sản trong vùng từng bước chuyển đổi theo hướng đánh bắt có kiểm soát, giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Trong đó, Dự thảo về Kế hoạch hành động 180 ngày hành động chống khai thác IUU đang được lấy ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, Bộ cũng mới tổ chức hội nghị triển khai đến các địa phương ven biển.

“Bên cạnh tổ chức lại khai thác hải sản, cơ cấu lại nghề, cơ cấu lại lao động cần phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán và năng lực từng hộ gia đình. Việc thử nghiệm mô hình gây giống và nuôi trồng rong sụn thương phẩm, gắn với chế biến, đa dạng hoá sản phẩm tại một số địa phương đã ghi nhận kết quả khả quan ban đầu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan liệt kê.

Tư duy tích hợp tạo ra không gian phát triển tích hợp

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng cho biết, tư duy tích hợp sẽ tạo ra không gian phát triển tích hợp, không gian tích hợp tạo ra giá trị tích hợp. “Chúng tôi sẽ sớm tổ chức các hội nghị chuyên đề, vừa tìm kiếm những sáng kiến mới, vừa chủ động sửa đổi, điều chỉnh những quy định đang là rào cản cho các địa phương. Đồng thời quán triệt tư duy kinh tế nông nghiệp, cần nhìn nền kinh tế theo cách tiếp cận đa dụng, đa chức năng, đa giá trị”, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết thêm.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT khuyến khích phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển, thân thiện với môi trường. Thay cho cách hiểu có phần định kiến trước kia “du lịch đi đến đâu, thuỷ sản lùi tới đó”, hoặc ngược lại, giờ đây, du lịch và nuôi trồng thủy sản có thể hỗ trợ lẫn nhau, qua các hoạt động giáo dục ý thức về môi trường cho các du khách.

Các tàu dịch vụ nghề cá trên biển, các trạm dịch vụ hậu cần trên các đảo cần được nâng cao hiệu quả. Các trung tâm nghề cá tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Các cảng cá sẽ được vận hành theo hướng đa chức năng, kết hợp du lịch, kiến tạo không gian cộng đồng cung cấp kiến thức về bảo tồn biển, đại dương, tập huấn kỹ năng nghề cá, kỹ năng sinh tồn, phổ biến quy định pháp luật.

Tin liên quan

Đọc tiếp