COVAX đạt mốc 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo

VACCINE COVAX
11:03 - 17/01/2022
WHO cho biết, trong số 1,1 triệu liều vaccine Covid-19 chuyển đến Rwanda hôm 15/1 bao gồm liều thứ một tỷ được cung cấp thông qua chương trình COVAX. Ảnh: AP
WHO cho biết, trong số 1,1 triệu liều vaccine Covid-19 chuyển đến Rwanda hôm 15/1 bao gồm liều thứ một tỷ được cung cấp thông qua chương trình COVAX. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX vừa đạt cột mốc quan trọng, với 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được cơ chế này phân phối đến các nước nghèo trên toàn cầu.

Ngày 16/1, WHO cho biết, trong số 1,1 triệu liều vaccine Covid-19 chuyển đến Rwanda hôm 15/1 bao gồm liều thứ 1 tỷ được cung cấp thông qua chương trình COVAX.

COVAX là cơ chế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), GAVI, UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vaccine và đối tác lập ra vào năm 2020, với mục tiêu bảo đảm các quốc gia đều được tiếp cận vaccine 1 cách công bằng và hiệu quả.

Đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, nhưng tiến độ của chương trình đã bị chậm lại do việc tích trữ ban đầu của các quốc gia giàu có hơn, các quy định hạn chế xuất khẩu và những thay đổi thường xuyên trong tổ chức của COVAX.

Tính đến ngày 14/1, có 36 trong số 194 quốc gia thành viên mới tiêm chủng cho chưa đến 10% dân số và 88 quốc gia đã tiêm cho gần 40% dân số.

Theo WHO, mục tiêu của COVAX đã bị cản trở do tình trạng tích trữ, dự trữ vaccine Covid-19 ở các quốc gia giàu có, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới và nguồn cung vaccine bị mắc kẹt. Bên cạnh đó là tình trạng các công ty dược phẩm không chia sẻ giấy phép, công nghệ và bí quyết sản xuất vaccine.

Theo WHO, 67% dân số ở các quốc gia giàu có đã được tiêm chủng đầy đủ, so với chỉ 5% ở các quốc gia nghèo. Ảnh: Reuters

Theo WHO, 67% dân số ở các quốc gia giàu có đã được tiêm chủng đầy đủ, so với chỉ 5% ở các quốc gia nghèo. Ảnh: Reuters

Trong một cuộc phỏng vấn, Tân Bộ trưởng Phát triển quốc tế mới của Đức cho biết bà muốn tận dụng nhiệm kỳ chủ tịch G7 trong năm nay của Đức để đảm bảo chương trình COVAX có được các nguồn lực cần thiết vào năm 2022.

“Thật không may, vẫn còn quá ít quốc gia tham gia tài trợ cho chiến dịch tiêm chủng toàn cầu", trích câu trả lời của bà Svenja Schulze. “Cùng với Thụy Điển, Na Uy, Canada và Mỹ, chúng tôi là những người cống hiến nhiều nhất cho COVAX. Các quốc gia công nghiệp khác cũng có đủ tiềm lực để bắt kịp chúng tôi".

Đức cho biết họ đã tặng 103 triệu liều thuốc cho các nước nghèo hơn vào năm ngoái và dự kiến ​​sẽ tặng 75 triệu liều khác vào năm 2022.

Khi được hỏi liệu việc từ bỏ các bằng sáng chế vaccine Covid-19 - điều mà chính phủ trước đây của Đức phản đối có hợp lý không, bà Schulze nói rằng: “Tôi cho rằng các nước đang phát triển sẽ nhận được vaccine dễ dàng hơn nếu các nước và các hãng vaccine từ bỏ các bằng sáng chế”. Bà nhận định rằng đây chỉ là “một vấn đề phần nhỏ của quá trình sản xuất và phân phối vaccine”.

Thực tế cho thấy, khoảng 1/3 lượng vaccine của COVAX hiện nay là do các quốc gia giàu có quyên góp, khác với kế hoạch ban đầu của COVAX là chỉ cung cấp các mũi tiêm do chương trình mua trực tiếp với ngân sách hơn 10 tỷ USD do các nhà tài trợ quyên góp. Việc thay đổi chiến lược này cũng phần nào gây ra chậm trễ, vì các nhà tài trợ thường yêu cầu gửi vaccine đến các quốc gia do họ lựa chọn.

Bất chấp số lượng được phân phối tăng lên, sự bất bình đẳng về vắc xin vẫn ở mức cao. Dữ liệu mới nhất của WHO cho thấy 67% dân số ở các quốc gia giàu có đã được tiêm chủng đầy đủ, so với chỉ 5% ở các quốc gia nghèo hơn. Hơn 40% dân số thế giới chưa được tiêm liều đầu tiên.

Hiện Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), 1 trong những tổ chức sáng lập và quản lý cơ chế COVAX, đang xúc tiến tìm kiếm thêm tài trợ để đạt được mục tiêu của WHO là hoàn thành chiến dịch tiêm chủng cho 70% dân số các quốc gia nghèo vào tháng 7/2022.

Tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo trang worldometers.info, tính đến ngày 16/1, toàn thế giới ghi nhận thêm 2.333.295 ca mắc và 5.578 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong toàn cầu lên lần lượt 326.566.994 ca mắc và 5.553.236 người không qua khỏi vì dịch bệnh. Số ca hồi phục là 266.383.025 ca, trong khi vẫn còn 54.630.733 ca bệnh đang điều trị.

Tin liên quan

Đọc tiếp