COVID-19 đã thay đổi thói quen mua hàng của chúng ta như thế nào?

THỊ TRƯỜNG data
01:58 - 11/11/2021
COVID-19 đã thay đổi thói quen mua hàng của chúng ta như thế nào?
0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu thị trường về sự thay đổi thứ tự ưu tiên quan tâm của người tiêu dùng và sự dịch chuyển trong phong cách mua hàng trước và sau đại dịch COVID-19.

Chia sẻ góc nhìn về sự thay đổi phong cách tiêu dùng toàn cầu đối với mặt hàng quần áo, sáng 10/11, Cotton Incorporated đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi ưu tiên và lối sống của người tiêu dùng trong giai đoạn gần kết thúc đại dịch”.

Tiến sĩ Katherine Bruce, Giám đốc phân tích chiến lược doanh nghiệp của Cotton Incorporated - một tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi những người trồng bông ở Hoa Kỳ, đã trình bày một bản nghiên cứu so sánh thói quen mua sắm tại Trung Quốc và Mỹ để dẫn chứng về sự thay đổi trong mức độ quan tâm của người tiêu dùng và sự dịch chuyển trong phong cách mua hàng của họ trước và sau đại dịch COVID-19.

Phong cách tiêu dùng và nỗi ám ảnh lo ngại về Covid

Theo bà Bruce, mối lo ngại lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay là Covid và điều này thật sự có tác động đến phong cách chi tiêu, mua sắm. Sự lo ngại này luôn được 50% số người được hỏi bày tỏ. Tuỳ vào thời điểm tình hình dịch bệnh bùng phát hoặc được kiểm soát ở các quốc gia, chỉ số này có thể dao động trong khoảng từ 50% đến 80%.

Đại dịch COVID-19 làm thay đổi đáng kể cách người tiêu dùng mua hàng hóa, đặc biệt là quần áo. 74% số người Mỹ tham gia nghiên cứu của Cotton Incorporated năm 2020-2021 trả lời rằng COVID-19 đã thay đổi cách thức họ mua hàng. Con số này đối với người Trung Quốc lên tới 90%.

Theo đó, những người mua hàng trả lời rằng, sự lo ngại về nguy cơ lây nhiễm và những chính sách giãn cách xã hội đã khiến họ lựa chọn mua sắm online nhiều hơn. Tuy nhiên, hiệu quả bán hàng không hề giảm xuống trong dịch bệnh, bởi sự tiện lợi bất ngờ của các kênh mua bán online thông qua các công cụ kỹ thuật số và việc xuất hiện của nhiều chương trình khuyến mãi, chương trình giảm giá từ phía người bán hàng đã kích thích người tiêu dùng mua hàng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, số lượng đi đôi với chất lượng. Động lực tăng doanh số của người bán không có nghĩa là chất lượng hàng hoá sẽ thấp hơn.

Lý do đơn giản là vì đại dịch đã khiến cho nền kinh tế bị đình trệ, nhiều người lao động mất việc làm hơn, thu nhập của người tiêu dùng bị giảm sút, khiến người mua hàng sẽ phải cân nhắc kỹ hơn khi quyết định mua một món hàng nào đó. Và tâm lý tiêu dùng ngày càng đặt nặng về phía mong muốn mua được một món đồ chất lượng cao hơn với mức giá vừa phải hơn.

Một thay đổi khá thú vị trong phong cách tiêu dùng là việc mua sắm online giúp người mua hàng kỳ vọng có nhiều cơ hội chọn lựa hơn, nhiều món hàng để tiếp cận và so sánh hơn. Họ có thể tìm hiểu thông tin trên nhiều nền tảng kỹ thuật số và sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về món đồ mình mua cũng như lựa chọn nơi mua hàng phù hợp trước khi quyết định xuống tiền cho một sản phẩm nào đó.

Theo khảo sát của Cotton Incorporated, tại Mỹ, trước đại dịch, mặc dù mua sắm trực tuyến rất phát triển nhưng còn rất nhiều người không muốn thử nghiệm, chỉ có 29% người tiêu dùng mua sắm phần lớn quần áo của họ theo hình thức online.

Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, con số mua sắm quần áo online tăng lên 53% khi tất cả các cửa hàng phải đóng cửa và người tiêu dùng, không còn cách nào khác, bắt buộc phải chọn hình thức mua sắm trực tuyến.

Báo cáo của Cotton Incorporated kỳ vọng sau khi đại dịch qua đi, con số này có thể duy trì ở mức 45% khi có một bộ phận người tiêu dùng đã chấp nhận mua sắm online như một sở thích, một thói quen.

Một cuộc khảo sát tương tự cũng được thực hiện đối với những người tiêu dùng tại Trung Quốc. Chỉ số khảo sát trả về là, trước đại dịch chỉ có 37% người mua hàng Trung Quốc lựa chọn hình thức online; trong đại dịch, con số đó lên tới 74% và Cotton Incorporated tin rằng con số này sẽ ở mức 64% người tiêu dùng mua sắm online sau khi đại dịch qua đi.

Dù vậy, theo báo cáo, đa số người tiêu dùng vẫn đang chờ đợi có thể quay trở lại mua sắm trực tiếp trong những cửa hàng bán quần áo. Con số này vẫn luôn duy trì rất cao trong suốt đợt dịch bệnh, từ tháng 4/2020 tới tháng 4/2021, với người Mỹ là khoảng 73% - 75%, người Trung Quốc khoảng 75% tới 88%.

Mua sắm trực tiếp được nhìn nhận như một nhu cầu giao lưu xã hội

Để chuẩn bị cho sự trở lại của việc mua hàng trực tuyến, Cotton Incorporated đã làm khảo sát về địa điểm mua hàng mà người tiêu dùng sẽ chọn để mua quần áo nếu có thể. Theo đó, ở Mỹ vào tháng 3/2021, có 32% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ sẽ lựa chọn mua hàng tại các hàng quần áo. Đến tháng 10/2021, con số này tăng lên 62%.

Trong khi đó, chỉ có lần lượt 12% và 39% người tiêu dùng lựa chọn mua hàng ở các trung tâm mua sắm lớn vì lo ngại về khả năng lây lan của dịch bệnh.

Khi trả lời về lý do muốn được mua hàng trực tiếp ở cửa hàng, đa phần người tiêu dùng được hỏi đều cho rằng đó là một hoạt động xã hội vui vẻ, có thể coi là một hoạt động giải trí giúp họ giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.

Một lý do khác cũng được đưa ra, rằng sau đại dịch COVID-19 với những đợt giãn cách xã hội kéo dài, người dân phải tách biệt với nhau quá lâu và họ sẽ cảm thấy rất bồn chồn nếu tiếp tục phải tách biệt với mọi người, do vậy, mua sắm trực tiếp cũng là một cách thể hiện nhu cầu giao lưu xã hội.

Ngoài ra, mua sắm trực tiếp còn có những lợi thế không thể chối cãi như khả năng nhìn tận mắt, sờ tận tay mặt hàng, một lợi ích mà mua sắm trực tuyến không cách nào thay thế được. Mua sắm cũng là một loại trải nghiệm, để người tiêu dùng có cơ hội tương tác với người khác hoặc với những sản phẩm khác, tăng cường giao lưu, kết nối giữa người với người.

Hơn nữa, mua sắm trực tiếp cũng ngày càng được cải thiện và ứng dụng công nghệ kĩ thuật số để tăng thêm sự tiện lợi như thanh toán bằng thẻ ngân hàng, thanh toán online, hệ thống thẻ tích điểm,… tạo sự thuận tiện và ưu đãi cho người mua hàng.

Mặt khác, để tăng khả năng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp cũng có thể có chức năng giao hàng tận nhà và việc bán hàng, dịch vụ sản phẩm được thiết kế theo hệ thống cá nhân hóa ví dụ sắp xếp lịch hẹn với khách mua hàng, chỉ tiếp một hoặc một vài khách mua hàng trong cùng một thời điểm, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Mới đây, công ty Nike cũng đã ra mắt ý tưởng Nike at House of Innovation với sự kết hợp độc nhất giữa kĩ thuật số và mua sắm trực tiếp ở cửa hàng. Theo đó, Nike sẽ đáp ứng người tiêu dùng về một trải nghiệm cá nhân hóa, thành viên của NikePlus có thể đặt trước qua hình thức online sản phẩm họ muốn mua, sau đó có thể trực tiếp đến cửa hàng thử sản phẩm và mua hàng. Đây là một sáng kiến mới thú vị, vừa kết hợp được ưu điểm của mua hàng trực tiếp là kiểm tra và thử, vừa mang theo điểm mạnh của mua hàng online khi có thể xem trước các mẫu và hạn chế tiếp xúc, tránh sự lây nhiễm virus corona.

Tuy nhiên dù vậy, người tiêu dùng vẫn mong rằng an toàn là trên hết, trong bài khảo sát của Cotton Incorporated, 64% người Mỹ và 67% người Trung Quốc sẽ quay trở lại mua sắm trực tiếp nếu như cả người mua và người bán đều đã được tiêm vaccine, 55% người Mỹ và 59% người Trung Quốc yêu cầu người bán hàng phải đeo khẩu trang, 54% (Mỹ) và 56% (Trung Quốc) cho rằng người mua hàng cũng cần đeo khẩu trang, 44% (Mỹ) và 38% (Trung Quốc) mong rằng không gian trong cửa hàng, đặc biệt là giữa các quầy hàng,… sẽ đủ rộng để tuân thủ giãn cách theo khuyến cáo.

Sự chuyển dịch về giá trị

Ngoài những thay đổi trong thói quen mua sắm, COVID-19 cũng gây nên sự chuyển dịch về các giá trị. Đa phần người tham gia khảo sát đều trả lời rằng sự an toàn và khỏe mạnh của gia đình với họ là quan trọng nhất, kế đến là giá trị của sức khỏe của bản thân, và một ngôi nhà thoải mái tiện nghi cũng là điều quan trọng đối với mỗi người sau đại dịch, sau những ngày tháng giãn cách xã hội.

Theo khảo sát của Cotton Incorporated, người tiêu dùng đang làm nhiều cách để khiến họ thoải mái, trong đó, có sự thay đổi rất lớn về phong cách ăn mặc.

Một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ có xu hướng lựa chọn loại quần áo thoải mái hơn, bởi trong chuỗi ngày giãn cách kéo dài ít sự giao lưu, không còn nhiều các nghi thức xã giao trong công việc, nên người tiêu dùng cũng buông lỏng và không đầu tư quá nhiều vào việc trưng diện.

Số người tập thể dục thể thao cũng tăng lên nhờ tận dụng khoảng thời gian trống khi được nghỉ trong giãn cách và người tiêu dùng trở nên có ý thức hơn về việc tự chăm sóc sức khỏe và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Vì vậy, đã xuất hiện những bài tập thể dục thể thao trực tuyến trên các nền tảng công nghệ số và ngày càng được quan tâm, đặc biệt là ở Trung Quốc với tỉ lệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ này lên tới 86% trong thời điểm diễn ra đại dịch. Theo đó, các sản phẩm thể dục thể thao như quần áo thể thao, giày, các dụng cụ tập thể dục thể thao trong nhà, thảm yoga, các dụng cụ tập cơ đơn giản,…rất được quan tâm.

Theo Euromonitor International, lượng quần áo thể thao bán được trên thế giới năm 2020 và triển vọng 5 năm tới có sự tăng trưởng mạnh.

Trong đó, toàn thế giới bán được 174 tỷ USD, tăng 49% so với thời gian trước, cụ thể hơn, ở Mỹ tiêu thụ được 70,1 tỷ USD, tăng 44%, Châu Mỹ Latinh bán được 5 tỷ USD, tăng 71%, Tây Âu tiêu thụ được 34 tỷ USD, tăng 34%, đặc biệt, Ấn Độ và Trung Quốc có sự tăng vọt đáng kể với doanh thu lần lượt là 2,8 tỷ USD (tăng 107%) và 19,3 tỷ USD (tăng 95%).

Theo tiến sĩ Katherine, doanh thu từ mặt hàng này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi người tiêu dùng ý thức được tầm quan trọng của thể dục thể thao và đã có thói quen tập thể dục. Và phần lớn những người đã mua quần áo thể thao đều cho biết họ có dự định sẽ tiếp tục mua thêm trong thời gian tới.

Theo thống kê của Cotton Incorporated, yêu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm này cũng có sự phân hóa. Đa phần yêu cầu sơ cấp nhất của người dùng là chất lượng và sự thoải mái, phù hợp, tiếp theo là độ bền, kiểu dáng, tính năng và sự thoáng khí, cuối cùng là kiểu dáng, loại sợi và giá cả.

Tin liên quan

Đọc tiếp