CP Foods gặp khó tại thị trường Nga và cơ hội cho chăn nuôi Việt Nam

DOANH NGHIỆP Việt nAM
13:35 - 12/03/2022
Việt Nam vốn đã là một thị trường mạnh của CP Foods.
Việt Nam vốn đã là một thị trường mạnh của CP Foods.
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn chăn nuôi lớn nhất Thái Lan CP Foods đang là nhà sản xuất thịt lớn thứ 9 tại thị trường Nga. Khi gặp khó tại thị trường này, nhiều khả năng CP Foods sẽ chuyển hướng đầu tư mạnh hơn sang các nước châu Á để thay thế, trong đó có Việt Nam.

Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đang dần hình thành những hệ luỵ lớn cho nền kinh tế thế giới, trực tiếp là các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến hai thị trường này. Không chỉ đứt gãy chuỗi cung cầu do “bom rơi đạn lạc”, các lệnh trừng phạt từ Mỹ cùng các nước đồng minh và việc Nga cấm xuất khẩu 200 mặt hàng khiến các công ty phải đối mặt với tình trạng khó mở rộng sản xuất.

Là doanh nghiệp có mức đầu tư lớn vào thị trường Nga, CP Foods – công ty con thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group) của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont khó tránh khỏi các tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.

CP Foods bắt đầu thành lập công ty con tại Nga vào năm 2006 và đến nay đã trở thành nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ 9 ở Nga, với 2,6% thị phần, tương đương 129.200 tấn. Năm 2021, khi giới chức Nga đề xuất bãi bỏ thuế nhập khẩu thịt đối với hai mặt hàng thịt lợn và thịt bò nhằm kiềm chế đà tăng giá thị trường thịt đỏ trong nước; CP Foods đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để đẩy mạnh năng lực sản xuất.

Tháng 8/2021, CP Food đã mua 2 đơn vị chăn nuôi lợn của Nga với giá 22 tỷ rúp (khoảng 300 triệu USD vào thời điểm đó). Trước đó, công ty này đã xây dựng 2 trang trại chăn nuôi lợn ở vùng Nizhny Novgorod, miền Trung nước Nga với quy mô 180.000 đầu con mỗi trang trại.

CP Foods cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh mảng gia cầm tại Nga. Năm 2021, doanh nghiệp này tiết lộ đã đầu tư 4,5 tỷ rúp (65 triệu USD) vào việc hiện đại hóa các trang trại gia cầm Severnaya và Voiskovitshya ở vùng Leningrad để tăng sản lượng gà thịt lên 10%, đạt 275.000 tấn mỗi năm kể từ năm 2022; với mục tiêu trước mắt là xuất khẩu thêm số lượng lớn sang thị trường Trung Quốc.

Theo chuyên gia Athaporn Arayasantiparb thuộc công ty phân tích M Corp Review, năm 2020, khoảng 70% trong tổng doanh thu 590 tỉ baht (18,1 tỷ USD) của CP Foods là từ thị trường bên ngoài Thái Lan. Tập đoàn có kế hoạch sử dụng thị trường Nga làm bàn đạp để thâm nhập châu Âu, tăng cường các hoạt động bên ngoài thị trường nội địa vốn đang rất nhiều đơn vị cạnh tranh.

Tuy nhiên lệnh trừng phạt mà Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cùng một số nền kinh tế lớn khác áp đặt vào Nga nhiều khả năng sẽ “bóp chết” thị trường Nga lẫn xuất khẩu từ nước này sang châu Âu. Chuyên gia dự báo CP Foods sẽ cố gắng chuyển hướng sang thị trường châu Á như Thái Lan hay Singapore. Tuy nhiên, ông nhận định 2 thị trường này chỉ có 66 triệu dân - ít hơn châu Âu khoảng 9 lần nên khó lòng tiêu thụ thịt nhiều.

Trang trại chăn nuôi của CP Foods ở Nga. Ảnh: CP Foods

Trang trại chăn nuôi của CP Foods ở Nga. Ảnh: CP Foods

Cơ hội cho Việt Nam?

Với lợi thế về nông nghiệp, CP Foods đã nhắm đến thị trường Việt Nam từ năm 1993, với sự thành lập Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV). Với chiến lược kinh doanh theo quy trình chuỗi giá trị gồm ươm giống, nuôi trồng, sản xuất chế biến thức ăn và thu hoạch thành phẩm, C.P Việt Nam đã góp phần thay đổi bộ mặt ngành chăn nuôi Việt Nam từ manh mún nhỏ lẻ sang quy mô công nghiệp lớn.

CPV hiện có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trải dài trên toàn quốc với tổng công suất hơn 4,2 triệu tấn/năm; 1 nhà máy sơ chế bắp tại Đắk Lắk và 3 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản (Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ) với tổng công suất 550.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến thủy sản tại Huế và Bến Tre cùng 3 nhà máy chế biến thịt tại Hà Nội, Đồng Nai và TP HCM.

Do chưa niêm yết trên sàn nên kết quả kinh doanh chi tiết của C.P. Việt Nam không được công bố. Tuy nhiên trong những lần tiết lộ với truyền thông, doanh nghiệp này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2020, mảng nông nghiệp đạt doanh thu 3,477 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2019. Lợi nhuận (trước thuế) thu về 966,7 triệu USD, tăng 125%.

Mức lợi nhuận khủng khoảng 1 tỷ USD tại Việt Nam ngang ngửa với các nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu như Honda Việt Nam (hơn 1 tỷ USD năm 2019) hay như nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh) sản xuất đồ điện tử, năm 2020 lãi ròng khoảng 1,2 tỷ USD. Còn với doanh thu hơn 3 tỷ USD, hiện chưa có công ty nội địa nào thực sự là đối thủ đáng gờm của C.P.

Theo chia sẻ của ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc C.P Việt Nam, tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty trung bình từ 12-15% nhưng tăng mạnh trong vài năm gần đây do mở rộng đầu tư cũng như hưởng lợi từ việc tăng giá thịt lợn. Trong đó, Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng doanh thu lớn nhất, chiếm 15% tổng doanh thu toàn cầu.

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc C.P Việt Nam.

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc C.P Việt Nam.

Năm 2021, C.P Việt Nam còn mạnh tay hơn trong mảng thuỷ sản khi trở thành cổ đông nắm 16,56% cổ phần của CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC), đơn vị thành viên CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group). Trước đó, năm 2018, doanh nghiệp FDI này đã tuyên bố sẽ đầu tư mạnh tay hơn vào mảng gia cầm và tôm, nhằm mục tiêu công suất 1 triệu tấn tôm, xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Anh, Australia, Trung Quốc và châu Âu...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm, đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Riêng 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những số liệu trên cho thấy, việc CP Foods gặp khó ở thị trường Nga – Ukraine có thể mang lại cơ hội cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời gian tới. Nếu chuyển hướng sang thị trường châu Á, CP Foods có thể thêm nhiều chiến lược đầu tư hơn vào Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu từ C.P Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.