Cứ 100 đôi giày xuất khẩu trên thế giới có 10 đôi do Việt Nam sản xuất

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
16:07 - 03/03/2022
Cứ 100 đôi giày xuất khẩu trên thế giới có 10 đôi do Việt Nam sản xuất
0:00 / 0:00
0:00
Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021 (World Footwear Yearbook) vừa được công bố, lần đầu tiên Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu tương đương khoảng 1,2 tỷ đôi.

Số lượng giày mà Việt Nam sản xuất và xuất khẩu trong năm 2020 đứng thứ hai trên thế giới về thị phần xuất khẩu da giày. Schoez.biz - trang tin chuyên về ngành giày da của Đức cũng cho biết, tỷ trọng xuất khẩu giày dép toàn cầu tại Việt Nam đã tăng từ 2% lên 10,2%, trong khi đó thị phần của Trung Quốc giảm 12% trong suốt thập kỷ qua (từ 73,1% năm 2011 xuống còn 61,1% vào năm 2020).

Tuy nhiên, đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu vẫn là Trung Quốc với tổng số 7,4 tỷ đôi giày xuất khẩu trong năm 2020. Đứng ngay sau Việt Nam là Indonesia ở vị trí thứ ba, với 366 triệu đôi giày xuất khẩu, chiếm 3% (từ mức 1,6% thập kỷ trước) thị phần giày xuất khẩu toàn cầu. Tiếp đến là Đức với 2,5% và Thổ Nhĩ Kỳ 2,3%.

Bên cạnh đó, Đức cũng đã vượt qua Bỉ và Italy để trở thành nhà xuất khẩu giày lớn nhất châu Âu trong 10 năm qua.

Đại dịch COVID-19 cũng đã phá vỡ chuỗi giá trị quốc tế, dẫn đến giảm tỷ trọng sản xuất xuất khẩu từ 62% xuống 59%. Tổng cộng có khoảng 12,1 tỷ đôi giày được xuất khẩu trên toàn thế giới trong năm 2020.

Châu Á vẫn là nơi xuất khẩu giày dép lớn nhất trên thế giới vào năm 2020, song tỷ trọng lượng xuất khẩu toàn cầu đã giảm dần trong thập kỷ qua. Ngoài ra, châu Âu là châu lục duy nhất có tỷ trọng toàn cầu tăng gần 4% kể từ năm 2011.

Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ lớn nhất với 3,9 tỷ đôi giày (chiếm 20,8%), tiếp đến là Ấn Độ 2 tỷ đôi (chiếm 10,6%), Mỹ 1,8 tỷ đôi (chiếm 9,6%), Indonesia 821 triệu đôi (chiếm 4,3%), Brazil 3,6% và Đức 2%.

Về định hướng phát triển trong năm nay, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, hiện nay nhịp độ sản xuất của các doanh nghiệp da giày khu vực phía Nam đang có tiến độ tốt. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II/2022, đây là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách kéo dài.

“Riêng với Nike, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho hãng với hơn 50% sản lượng giày. Việc gia công và xuất khẩu cho Nike đang chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 lao động. Thương hiệu giày thể thao đình đám này có định hướng tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam”, đại diện Lefaso thông tin thêm.

Mặc dù có cơ hội gia tăng xuất khẩu trong năm 2022, song nhiều doanh nghiệp vẫn có những lo ngại về chi phí nguyên liệu đầu vào, cũng như phí logistics tăng cao là một rào cản lớn. Điều này có thể khiến các nhà nhập khẩu dịch chuyển các đơn hàng sản xuất về gần thị trường tiêu thụ nhằm giảm chi phí. Trong khi đó, giá của các đơn hàng xuất khẩu năm nay không tăng dù khách hàng có hỗ trợ một phần chi phí thì đây vẫn là bài toàn khó.

Đại diện Lefaso cho rằng, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp da giày trong nước sớm phục hồi sản xuất, Chính phủ và các Bộ, ngành sớm đưa vào thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô 350.000 tỷ đồng, cải thiện các thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn. Đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách mới, tập trung vào chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được các FTA để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp