Cước vận tải từ châu Á đến châu Âu giảm 42% so với hồi đầu năm

Vận Tải logistics
22:30 - 07/09/2022
Cước vận tải từ châu Á đến châu Âu giảm 42% so với hồi đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Tính chung, cước phí cho một container trên tuyến vận tải từ châu Á đến châu Âu đã giảm sâu so với đầu năm và mức đỉnh hơn 20.000 USD vào tháng 9 năm ngoái, dù vẫn còn cao hơn trước dịch.

Theo WSJ, giá cước vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ hiện khoảng 5.400 USD - giảm 60% so với tháng 1/2022.

Hiện tại, vận chuyển một container từ châu Á đến châu Âu sẽ tốn 9.000 USD - giảm 42% so với hồi đầu năm. Tính chung, cước phí cho cả hai tuyến vận tải biển này đã giảm sâu so với mức đỉnh hơn 20.000 USD vào tháng 9 năm ngoái nhưng vẫn còn cao hơn trước dịch.

Trước đó, giá cước vận tải biển đã tăng gần 10 lần trong năm 2021 khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, container ứ đọng ở các cảng và nhu cầu hàng hóa tăng vọt khiến các nhà nhập khẩu phải tranh giành chỗ đặt container trên tàu. Tuy nhiên, các điều kiện thị trường hiện tại đã đảo ngược.

Theo các chủ tàu và các nhà phân tích, cước vận tải biển sẽ giảm thêm cho tới năm 2023. Một loạt tàu container mới đóng sẽ đi vào hoạt động trong 2 năm với mức tăng trưởng đội tàu container trên toàn cầu dự kiến vượt 9% trong năm tới và năm 2024. Đặt lên bàn cân so sánh, số lượng container sẽ giảm vào năm sau, trước khi tăng trở lại khoảng 2% trong năm 2024.

Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh tuần trước, bà Corie Barry, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị hàng điện tử Best Buy cũng thông tin áp lực từ cước vận chuyển hàng hóa đang thuyên giảm. Bà cho biết Best Buy giờ đây dễ dàng tìm được các không gian vận chuyển hàng hóa trên tàu biển và xe tải.

Trong một báo cáo vào tháng trước, nhà cung cấp dữ liệu hàng hải Xeneta cũng cho biết cước vận chuyển container trên thị trường giao ngay đã giảm rất nhanh và đã tiến sát mức giá của hợp đồng dài hạn - vốn thường có mức chiết khấu cao, thậm chí còn thấp hơn giá hợp đồng dài hạn ở một số thị trường.

Giá cước giảm dần nhưng vẫn ở mức cao trong nửa cuối 2022

Đánh giá về triển vọng ngành vận tải container nửa cuối 2022 và 2023, báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI cho rằng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thể vẫn tiếp diễn trong 2022; tình trạng tắc nghẽn tại các cảng Mỹ và châu Âu chưa thể khắc phục trước năm 2023 do tắc nghẽn vẫn diễn ra trong nhiều khâu của chuỗi cung ứng - bao gồm thiếu cầu cảng, thiếu xe tải, nhà kho và cả nhân công.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cảng cần thời gian để thích ứng với các tàu mới đóng có kích thước lớn hơn trước khi tình trạng tắc nghẽn được giải quyết. Việc luân chuyển hàng hóa toàn cầu phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và chiến lược "Zero COVID" của nước này.

SSI cho rằng, tình trạng tắc nghẽn sẽ dần cải thiện vào nửa cuối năm 2023 khi các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được gỡ bỏ tại hầu hết các thị trường - bao gồm cả Trung Quốc.

Theo đó, SSI nhận định, giá cước sẽ cần một thời gian dài để điều chỉnh từ mức đỉnh và giảm dần nhưng vẫn ở mức cao trong nửa cuối 2022 trước khi có thể giảm mạnh vào năm 2023 nếu tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và Trung Quốc mở cửa trở lại.

Tương tự, trong báo cáo ngành logistics, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết giá cước vận tải toàn cầu đã giảm từ mức đỉnh và có thể sẽ điều chỉnh trong thời gian dài.

Tuy nhiên, giá cước vận tải vẫn sẽ ở mức cao so với cùng kỳ những năm trước vì cảng Thượng Hải dần trở lại bình thường, sản lượng của nhà máy ngày càng tăng và lưu thông sẽ tăng lên bắt đầu từ tháng 7.

Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn ở Bờ Tây Mỹ tiếp tục lập kỷ lục tăng cao và giá đầu tư tàu đã tăng dần hàng năm, đồng nghĩa với việc giá cước vận tải sẽ duy trì ở mức cao.

Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn tàu ở các cảng lớn và tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc, Châu Âu đang đẩy giá vận chuyển hàng hóa lên cao.

Đồng quan điểm, công ty phân tích thị trường Clarkson và Mc Kinsey cũng dự báo rằng giá vận chuyển container vẫn ở mức cao trong suốt cả năm 2022. Công ty này cũng đưa ra xu hướng về nhu cầu container và công suất hậu trong 4 kịch bản.

Trong một kịch bản phục hồi nhanh chóng của thị trường, giá cước vận tải biển điều chỉnh về mức giai đoạn 2019-2022. Tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất, tình huống hỗn loạn, tắc nghẽn và giá cước vận tải cao sẽ tiếp tục diễn ra trong quý III/2023.

Theo số liệu mới nhất của Cục Hàng hải, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 8 tháng năm 2022 ước đạt 495,8 triệu tấn, bật tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, hàng xuất khẩu ước đạt 121,56 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2021. Hàng nhập khẩu ước đạt 142,869 triệu tấn, tiếp tục nối đà giảm 7%. Còn hàng nội địa ước đạt 229,936 triệu tấn, giữ đà tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Đọc tiếp