Cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa các di sản lịch sử văn hóa

chiến sự Nga - Ukraine
11:23 - 13/03/2022
Tuyết bao phủ trung tâm thành phố và Nhà thờ St. Sophia ở Kiev, Ukraine. Ảnh: AP
Tuyết bao phủ trung tâm thành phố và Nhà thờ St. Sophia ở Kiev, Ukraine. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng các di tích lịch sử lớn ở Ukraine có nguy cơ bị hư hại, thậm chí bị phá hủy khi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine tiếp tục diễn ra. 

"Các trung tâm thành phố bị hư hại nghiêm trọng, một số có các địa điểm và di tích có từ thế kỷ 11", Lazare Eloundou, Giám đốc Di sản Thế giới của UNESCO phát biểu tại Paris hôm 12/3. Ông cho biết thêm: "Hiện có nhiều viện bảo tàng bị hư hại, trong đó là nơi lưu giữ các bộ sưu tập của nhân loại. Đời sống văn hóa của nhiều khu vực có nguy cơ biến mất".

Với những căng thẳng chính trị-quân sự đang diễn ra ở các khu vực của Ukraine, Giám đốc Di sản Thế giới của Unesco đặc biệt "lo lắng khi chiến sự sắp diễn ra ở Kiev".

"Một điều mà chúng tôi rất quan tâm ở thành phố Kyiv là Di sản Thế giới. Địa điểm này có hai quần thể rất quan trọng: Nhà thờ St. Sophia và cũng là khu phức hợp tu viện Lavra. Hai địa điểm này là bằng chứng cho sự ra đời của Nhà thờ Chính thống Nga", ông nói.

Một du khách chụp ảnh bức tranh của Maria Primachenko, một họa sĩ nghệ thuật dân gian nổi tiếng của Ukraine, trong phòng trưng bày nghệ thuật Mystetsky Arsenal ở Kiev, Ukraine, 2/2016.
Một du khách chụp ảnh bức tranh của Maria Primachenko, một họa sĩ nghệ thuật dân gian nổi tiếng của Ukraine, trong phòng trưng bày nghệ thuật Mystetsky Arsenal ở Kiev, Ukraine, 2/2016.

Ông Eloundou đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên UNESCO - bao gồm cả Nga - không nhắm mục tiêu vào bất kỳ địa điểm văn hóa nào.

"Điều quan trọng là, khi phát động các chiến dịch quân sự, các quốc gia phải đánh dấu các dấu hiệu, biểu tượng, các di tích lịch sử quan trọng nhất của họ để chúng được nhận diện rõ ràng và không bị nhắm thành mục tiêu. Đây là điều chúng tôi đã khuyến nghị với các cơ quan chức năng của Ukraine".

Trên phương tiện truyền thông xã hội, giám đốc các viện bảo tàng Ukraine cho biết đang triển khai thiết lập hàng rào thép gai xung quanh các cơ sở bảo tàng, trong khi các tòa nhà văn hóa khác đang được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời cho những người dân phải di dời. Các nhân viên cho biết đã mang các hiện vật quan trọng tới nơi an toàn và sắp xếp mang chúng qua biên giới.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine xác nhận rằng các cuộc giao tranh ở thủ đô Kiev đã khiến Bảo tàng Ivankov bị thiệt hại. Đây là nơi lưu giữ các vật phẩm dân gian và khảo cổ quý giá, trong đó có 25 tác phẩm, được nhiều người coi là bảo vật quốc gia vô giá, của nghệ nhân dân gian Maria Pryimachenko đã bị lửa thiêu hủy.

Trong một bài đăng trên Facebook, Vlada Litovchenko, Giám đốc Khu bảo tồn Văn hóa và Lịch sử Vyshhorod gần Kiev, đã lên tiếng chỉ trích vụ tấn công, đồng thời cảnh báo rằng nhiều di tích lịch sử và kiến ​​trúc cũng như địa điểm khảo cổ đang "bị đe dọa bởi pháo kích và sự di chuyển không kiểm soát của các xe tải quân sự hạng nặng".

Trong khi đó, các quan chức văn hóa Nga đã yêu cầu trả lại các tác phẩm nghệ thuật lớn hiện đang cho các phòng trưng bày ở Milan (Italy) mượn. Chúng bao gồm tác phẩm "Thiếu nữ với chiếc mũ lông vũ" của nghệ sĩ Phục hưng Titian, thuộc Bảo tàng Hermitage ở St.Petersburg (Nga).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Italy, Dario Franceschini đầu tuần này cho biết họ sẽ sớm trả lại cho Nga. Ngoài ra, cơ quan này cũng đang khảo sát và xem xét các tác phẩm nghệ thuật của Italy đang cho các viện bảo tàng Nga mượn.

Giám đốc điều hành của Bảo tàng Manitoba ở Canada, Dorota Blumczynska, cho biết xung đột toàn cầu - không chỉ ở Ukraine, mà còn ở những nơi khác trên thế giới cũng bị chiến tranh tàn phá. Những nơi này bao gồm Afghanistan, Yemen, Sudan, Ethiopia, Venezuela và Syria, nơi xung đột tiếp tục khiến việc bảo tồn các di tích văn hóa bị đe dọa.

Ukraine là nơi có 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó ở thủ đô Kiev có Nhà thờ Saint Sophia, nơi chứa những bức bích họa và tranh khảm độc đáo từ thế kỷ 16 và Pechersk Lavra, một tu viện được thành lập vào năm 1051.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.