Đã giảm gần 9.000 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

THUẾ NGÂN SÁCH
15:18 - 04/08/2022
Đã giảm gần 9.000 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thuế, 7 tháng đầu năm 2022 tổng thu ngân sách từ ngành thuế tăng 17,2% so với cùng kỳ, nhờ kinh tế những tháng đầu năm duy trì tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục.

Tổng cục Thuế vừa có báo cáo cập nhật kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) do ngành thuế quản lý trong tháng 7 và 7 tháng từ đầu năm, ghi nhận số thu thuế tháng gần nhất tiếp tục xu hướng tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, tính riêng tháng 7, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý đã đạt 122.500 tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán và tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng từ đầu năm, tổng thu ngân sách ngành thuế quản lý đã đạt 911.027 tỷ đồng, tương đương 77,5% dự toán và tăng 17,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, riêng số thu nội địa là 868.008 tỷ, bằng 75,7% so với dự toán năm và cao hơn 15% cùng kỳ.

Theo Tổng cục Thuế, mức tăng thu kể trên có được là nhờ tình hình kinh tế trong nước tiếp tục khởi sắc do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang phát huy tác dụng.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP hai quý đầu năm đạt 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% của cùng kỳ năm 2021 và 2,04% năm 2020. Hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 8,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%...

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đã tăng 16% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi tích cực với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đạt 954.000 lượt, gấp 10 lần cùng kỳ. Các yếu tố này đã góp phần tăng thu ngân sách từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, về mặt chủ quan, ngành thuế đã triển khai đồng bộ quản lý thuế thông qua thanh tra, kiểm tra và quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Đã giảm gần 9.000 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Cũng theo Tổng cục Thuế, trong 7 tháng đầu năm, bên cạnh hoạt động thu ngân sách, ngành Thuế đã triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể:

Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí theo Thông tư 120/2021/TT-BTC, ước tính làm giảm thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 900 tỷ đồng.

Giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc Hội ước tính làm giảm thu NSNN là 12.000 tỷ đồng.

Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định 32/2022/NĐ-CP: Tính đến hết ngày 22/7, số tiền thuế dự kiến gia hạn khoảng 1.458 tỷ đồng.

Gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP ước tổng số thuế đã gia hạn khoảng 41.600 tỷ đồng. Trong đó: thuế GTGT kỳ tháng 5, tháng 6 và quý 2/2022 được gia hạn ước khoảng 16.600 tỷ đồng; thuế TNDN quý 2/2022 ước khoảng 25.000 tỷ đồng.

Miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 406/2021/NQ và NĐ 92/2021/NĐ-CP là 6.453 tỷ đồng, trong đó: Thuế GTGT được giảm là 1.116 tỷ đồng; Thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm là 1.388 tỷ đồng; Miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là: 3.628 tỷ đồng; Tiền thuế được miễn chậm nộp là 321 tỷ đồng.

Giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP là 6.554 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đối với chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15: ước tính làm giảm thu NSNN trong 7 tháng đầu năm là 763,5 tỷ đồng. Giảm thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ước tính làm giảm thu NSNN trong 7 tháng đầu năm 2022 khoảng 8.909 tỷ đồng.

Như vậy, với các chính sách trên, ước số thuế được miễn, giảm là khoảng 35.580 tỷ đồng; số thuế được gia hạn là khoảng 43.058 tỷ đồng, làm giảm thu ngân sách 7 tháng đầu năm hơn 78.600 tỷ đồng.

Thu ngân sách những tháng cuối năm dự báo đối mặt với nhiều khó khăn

Trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, Tổng cục Thuế nhận định việc thu ngân sách được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Do đó để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo yêu cầu cơ quan thuế rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn để tổ chức giao nhiệm vụ thu hàng tháng, hàng quý cho từng đơn vị quản lý thu sát với thực tế phát sinh.

Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục tổ chức triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính về thuế, điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; triển khai hoàn thuế điện tử.

Tại họp báo Chính phủ chiều 3/8, thông tin thêm về việc giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh các thuế, phí tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đối với thuế nhập khẩu, hiện tại Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu cơ bản thuế nhập khẩu là 0%. Đối với mặt hàng xăng, hiện tại Việt Nam nhập khẩu trong khối ASEAN là 8%, ngoài ASEAN theo biểu thuế hiện tại là 20%. Để tháo gỡ khó khăn đồng thời gia tăng, đa dạng hóa nguồn cung, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giảm mức 20% này về 10%.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, thực hiện Công điện 679/CĐ-TTg, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để rà soát, có phương án trong thời gian tới căn cứ tình hình thị trường để điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, từ đó giảm giá xăng dầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.