Đà Nẵng cần mở rộng sân bay, phục vụ du thuyền để đón giới siêu giàu

DU LỊCH Đà nẵng
23:12 - 27/06/2022
Đà Nẵng hoàn toàn có thể chào đón các du thuyền của giới siêu giàu thế giới. Ảnh minh họa
Đà Nẵng hoàn toàn có thể chào đón các du thuyền của giới siêu giàu thế giới. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Một khách nhà giàu chi tiêu bằng hàng trăm khách bình thường. Vì vậy, chuyên gia kiến nghị cần sớm hình thành đề án về hệ sinh thái du lịch phục vụ giới siêu giàu và Đà nẵng cũng nên hướng tới đối tượng này.

Tại hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” do Báo Đầu tư và Tập đoàn Sun Group phối hợp tổ chức ngày 27/6, nhiều chuyên gia đã có những đóng góp thiết thực nhằm giúp Đà Nẵng bứt phá, tăng tốc, xứng danh là nơi đáng đến và nơi đáng sống bậc nhất Việt Nam.

Phải có “đại bàng” mới tạo ra cảm hứng phát triển mới

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Đà Nẵng từ lâu được biết đến là một thành phố đáng đến, đáng trải nghiệm, đáng đầu tư. Tuy nhiên, nếu không có sự đầu tư hơn nữa thì danh xưng trên sẽ tụt hậu.

Nói về yêu cầu trước mắt, vị chuyên gia cho rằng Đà Nẵng không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu, với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt. Cần có những trải nghiệm hàng đầu để hút khách du lịch bằng việc phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển… Và muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện từ du lịch biển, du lịch núi, du lịch sông nước, giải trí…

Đặc biệt, PGS Trần Đình Thiên cho rằng Đà Nẵng cần mạnh mẽ hơn trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị để tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Có “đại bàng” mới tạo ra cảm hứng phát triển mới, sức bật mới… Phải lựa chọn “đại bàng” trong các lĩnh vực mũi nhọn phát triển như du lịch, giải trí, công nghệ, tài chính…

Thẳng thắn nhận định Đà Nẵng giai đoạn vừa qua giảm sức hút đầu tư với việc PCI đã ra khỏi top 5 cả nước, nhiều năm liền Đà Nẵng không có dự án nào mới, PGS cho rằng kế sách duy nhất để hấp dẫn “đại bàng” là cơ chế cởi mở, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa, nhiều khi phải hy sinh cái lợi nhỏ đến có cái lợi lớn.

Đà Nẵng vốn nổi tiếng có Bà Nà, Cầu Vàng. Vài năm nữa, Cầu Vàng tất nhiên vẫn 'hot'. Nhưng 5 năm tới, nếu vẫn chỉ có chừng đó thứ ở Bà Nà, thì người ta còn không muốn lên nữa. Người ta thấy Đà Nẵng vẫn thế. PGS.TS Trần Đình Thiên

Mở rộng sân bay, phục vụ du thuyền để đón giới siêu giàu

Trong khi đó, TS Lương Hoài Nam chia sẻ đã từng có lúc thấy "quá vô duyên" khi cứ đi du lịch biển ở Phuket (Thái Lan) hay một số nơi khác, trong khi ngay ở nước mình đã có Đà Nẵng - địa phương nhiều tiềm năng để trở thành "Singapore của Việt Nam". Vị chuyên gia đánh giá, du lịch Đà Nẵng còn rất nhiều cơ hội phát triển. Nhưng lãnh đạo thành phố cần “làm mới” để đón cơ hội, tăng tốc phát triển bứt phá, không để tụt lại phía sau. "Đà Nẵng có diện tích gấp rưỡi Singapore. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách quốc tế đến đây rất ít so với Singapore", ông Nam nhận định.

Trong bối cảnh hiện hiện tại, TS Nam cho rằng cần thiết vừa tranh thủ khai thác nội địa thật tốt, vừa cố gắng tối đa khai thác các đường bay quốc tế. Phía Hội đồng Tư vấn du lịch đã kiến nghị với Thủ tướng mở hơn nữa chính sách visa với Mỹ, Australia, Newzealand, Ấn Độ... và toàn bộ các nước châu Âu; kiến nghị bỏ đeo khẩu trang. Theo ông Nam, các địa phương, trong đó có Đà Nẵng cũng nên kiến nghị thêm các chính sách, quy định cởi mở hơn để phát triển du lịch.

Ngoài ra theo TS Lương Hoài Nam, trong một bức tranh đa dạng chúng ta cần có đầy đủ các sản phẩm, vừa phục vụ khách bình dân, vừa phục vụ giới siêu giàu, từ đó hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Thực tế, Việt Nam chưa có hệ sinh thái du lịch cho giới nhà giàu. Hiện nay cả nước không có một chiếc trực thăng VIP, trực thăng y tế, trong khi một khách nhà giàu chi tiêu bằng hàng trăm khách bình thường.

Vì vậy, ông Nam kiến nghị cần sớm hình thành đề án về hệ sinh thái du lịch phục vụ giới siêu giàu, và Đà Nẵng cũng nên hướng tới đối tượng này. Về giải pháp trước mắt, ông cho rằng cần nhanh chóng mở rộng Sân bay Đà Nẵng về phía Đông ở đẳng cấp quốc tế và trong đó có cả nhà ga phục vụ máy bay VIP.

Tham gia thảo luận, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho rằng, khi nói đến Đà Nẵng cần nói đến quy hoạch trước một bước. Đà Nẵng không chỉ đẹp, có biển, phong thủy mà người dân và lãnh đạo thành phố cũng hết sức sáng tạo và mạnh mẽ. Nhưng để trở thành thành phố đáng sống thì trước hết Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu. Hiện danh sách 10 thành phố đáng sống của thế giới chưa có tên Đà Nẵng.

Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị đáng sống không phải chỉ cho người Việt Nam mà cả doanh nhân, tỷ phú thế giới, có biệt thự để họ mang du thuyền sang đây sống. Nhu cầu của giới thượng lưu là phải có du thuyền, Đà Nẵng có rất nhiều cơ sở có thể phục vụ. Cảng Tiên Sa ngoài phục vụ tàu du lịch 5.000 khách có thể phục vụ du thuyền, từ đó đi sâu vào trong sông Hàn. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính

Đồng ý với ý kiến của TS Lương Hoài Nam về mở rộng sân bay Đà Nẵng, ông Chính cũng cho rằng sân bay hiện tại không thể đáp ứng yêu cầu của giới tỷ phú và người dân thế giới. Cần đưa nhà ga T2, T3 sang phía Đông, có đường hầm ra sân bay, biến sân bay Đà Nẵng thành điểm đến của thế giới. Tuy nhiên hiện nay chưa có dự án nào để nâng cấp sân bay này.

Thiếu trải nghiệm về đêm

Ông Cao Trí Dũng (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) thì cho rằng, lợi thế lớn nhất của Đà Nẵng là tất cả các thương hiệu lớn về du lịch, khách sạn đều đã có mặt mà không TP nào ở Việt Nam có được. Tuy nhiên, theo ông Dũng để du lịch phát triển nhanh hơn, hấp dẫn hơn còn thiếu một vài mảnh ghép.

Đà Nẵng là trung tâm du lịch biển nhưng vẫn chưa có sản phẩm nào vươn ra biển cho du khách. Ngành du lịch chưa khai thác được hệ sinh thái bãi Đá Đen, bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng, bãi Nam Hòn Sụp. Đặc biệt, Đà Nẵng chưa có tour ra biển, chưa có du thuyền để ngắm sông Hàn và cảnh quan vùng vịnh. Các loại hình du lịch vui chơi giải trí, mua sắm, show diễn, đặc biệt trải nghiệm về đêm Đà Nẵng đã có nhưng vẫn thiếu.

Theo ông Dũng, Đà Nẵng cần có thêm các trải nghiệm sang trọng khác. Hiện đã có tour trực thăng nhưng phải sản xuất được du thuyền, phải có trung tâm du thuyền. Đà Nẵng nằm ngay trên hải lưu giao thương trong ngành du lịch du thuyền, trong khi đó du thuyền khối Đông Bắc có rất nhiều khách hàng từ Thượng Hải, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan…

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng, cho biết sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và “đáng sống” tại khu vực miền Trung và cả nước. Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch thành phố đối mặt với những khó khăn chưa từng có, với những thiệt hại nặng nề, hàng loạt hoạt động từ du lịch đến thương mại gần như tê liệt.

Tuy nhiên, đại dịch cũng là khoảng lặng lớn để thành phố nhìn nhận lại kết quả đạt được, những điểm còn thiếu sót trong công tác phát triển hạ tầng đô thị, du lịch, cùng chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố cũng suy nghĩ những bước đi, cách làm mới để đưa Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống.

Tin liên quan

Đọc tiếp