Đà Nẵng xây dựng 'thành phố biển đẳng cấp Châu Á' bằng cách mạng số

số hóa Đà nẵng
19:04 - 25/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu lớn nhất trong chuyển đổi số của TP Đà Nẵng là hướng đến xây dựng thành phố thông minh vào năm 2030, đạt 20% tỷ lệ kinh tế số trong GRDP và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành "thành phố biển đáng sống đẳng cấp Châu Á".

Nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 (Vietnam - ASIA DX Summit 2022), phiên tọa đàm "Lãnh đạo địa phương hợp lực chuyển đổi số”, chiều 25/5, các tỉnh thành đã chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số của địa phương mình. Qua đó trao đổi các kinh nghiệm cũng như đưa ra kiến nghị đề xuất hợp lực các tỉnh chuyển đổi số thành công trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

“Chuyển đổi số là việc ai không làm thì số bị chuyển đổi”

Là một trong những tỉnh thể hiện quyết tâm cao tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, chiến lược chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của thành phố này xác định các mục tiêu cụ thể với tầm nhìn chiến lược.

Cụ thể, Đà Nẵng đặt mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ và các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN. Tầm nhìn đến 2045 phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và trở thành thành phố đáng sống đạt "đẳng cấp khu vực châu Á".

“Muốn chuyển đổi số thành công, tỉnh xác định hạ tầng phải đi trước một bước và xây dựng được cổng cơ sở dữ liệu cho công dân, doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch với 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành”, ông Thanh nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu trên, Đà Nẵng đã coi chuyển đổi số là công cụ giải quyết một loạt các bài toán nhằm đạt các chỉ tiêu như: 20% tỷ lệ kinh tế số trong tổng sản phẩm bình quân đầu người địa phương (GRDP) thành phố, 10% tỷ trọng công nghiệp ICT trong GRDP, 1.000 bộ dữ liệu mở công bố cho người dân và doanh nghiệp, tỷ lệ có 3 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân và 10% tỷ trọng doanh số thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Trong năm 2021, ông Thanh cho biết, tỉnh đã đạt được một số kết quả, tiêu biểu là công nghiệp ICT của Đà Nẵng tăng trưởng 10,47% và đóng góp 8,2% vào tăng trưởng địa phương (GRDP) của thành phố.

Đà Nẵng hiện có tỷ lệ 2,1 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân (đứng thứ 2 sau TP HCM; con số này của trung bình cả nước là 0,5). Tổng nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh đạt 44.000, tốc độ tăng trưởng bình quân 13% cả nước. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 100 triệu USD. Trong đó, Nhật Bản và Mỹ là 2 thị trường chủ lực, chiếm 36% thị phần, tỷ lệ này ở thị trường EU là 16% và ở các nước châu Á khác là 12%.

Về công tác nhân lực, Đà Nẵng đang có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy. Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành công nghệ thông tin khoảng 5.700 sinh viên.

Trong lộ trình xây dựng Đà Nẵng thành thành phố thông minh, ông Thanh cho rằng, vai trò người lãnh đạo đứng đầu có thể ở trọng số giai đoạn đầu, nhưng khi đã chuyển sang giai đoạn nhận thức đầy đủ thì vai trò trọng số này lại chuyển sang vai doanh nghiệp và công dân.

Ảnh tác giả

Như vậy, người trực tiếp sử dụng các công cụ số là công dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng là động lực chính trong việc xây dựng thành phố thông minh. Đây là thực tế triển khai ở thành phố Đà Nẵng hiện nay. Ví dụ, người dân cần biết giá đất, an toàn thực phẩm, giao thông vận tải hay các lĩnh vực khác thì người dân đều có thể dễ dàng biết được qua các công cụ chuyển đổi số”

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng

Dẫn lời đồng chí Bí thư thành phố Đà Nẵng, ông Thanh nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là việc không thể không làm. Ai không chuyển đổi số là số bị chuyển đổi”. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Đà Nẵng cũng cho biết, địa phương hiện nay cũng còn những khó khăn nhất định.

Chia sẻ với MEKONG ASEAN, ông Thanh phân tích thêm, đối với việc triển khai chuyển đổi số cần sử dụng nhiều yếu tố công nghệ do đây là một lĩnh vực mới. Tuy nhiên, các định mức và tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực này vẫn chưa theo kịp yêu cầu. Do vậy, quá trình dự toán, đánh giá triển khai vẫn chưa được thực hiện sát sao và có căn cứ pháp lý đầy đủ.

Theo ông Thanh, với một lĩnh vực công nghệ mới cần đòi hỏi một sản phẩm tích hợp để phát huy hiệu quả trong công nghệ số. Trong khi đó, hiện nay phân cấp quản lý Nhà nước mang tính chất đơn ngành theo từng bộ. Do chưa có các sản phẩm tích hợp và vẫn thực hiện trên các sản phẩm đơn lẻ nên đã khiến cho quá trình triển khai công nghệ số còn hạn chế.

“Chúng tôi rất mong phía các Bộ/Ngành sớm có các chính sách thử nghiệm có kiểm soát được triển khai một cách rộng rãi, coi đó là công cụ pháp lý, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số”, ông Nguyễn Quang Thanh đề xuất.

Định hướng chung về chuyển đổi số cho các địa phương

Cũng tại tọa đàm, thông tin về chủ trương, định hướng của Chính phủ về quá trình chuyển đổi số của các địa phương, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, về định hướng chung chuyển đổi số, Chính phủ có chương trình chuyển đổi số quốc gia đã ban hành định hướng về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp.

Các địa phương ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Vinasa. Ảnh Phương Thảo

Các địa phương ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Vinasa. Ảnh Phương Thảo

“Từ Chương trình chuyển đổi số quốc gia sẽ chi tiết hóa chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số. Riêng đối với năm 2022, dựa trên mục tiêu định hướng chung, Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số đã ký quyết định thành lập mỗi bộ, mỗi tỉnh một ban chỉ đạo chuyển đổi số, hình thành một hệ thống xuyên suốt từ Trung Ương đến địa phương”, ông Tiến cho biết thêm.

Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng đưa những hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số. Cụ thể là bằng những việc như phổ cập sàn thương mại điện tử, dạy học trực tuyến, y tế khám chữa bệnh số, dịch vụ công trực tuyến.

Đối với các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng 22 nhiệm vụ trong năm 2022. Trong đó, nhấn mạnh một số nội dung chính liên quan đến việc tham mưu, đề xuất ban hành Nghị quyết của cấp ủy Đảng về chuyển đổi số và xây dựng ban hành kế hoạch tổng thể trong 5 năm.

“Các tỉnh hướng tới ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 phù hợp với khung chính phủ điện tử Việt Nam 2.0, phổ biến, quán triệt cán bộ tổ chức cá nhân liên quan đến việc quản lý, đầu tư chuyển đổi số. Đồng thời, các tỉnh cũng cần triển khai các giải pháp bảo vệ thông tin, dữ liệu an toàn, thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng”, ông Tiến chia sẻ về định hướng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) đang tiến hành điều tra TikTok về các hoạt động dữ liệu và bảo mật. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TikTok đang phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ nếu ByteDance không thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này.
Chính quyền Mỹ kiện Apple

Chính quyền Mỹ kiện Apple

Bộ Tư pháp Mỹ cùng 16 tiểu bang và một quận đã nộp đơn kiện Apple với cáo buộc hãng có hành vi độc quyền trong hoạt động kinh doanh iPhone.