Đại biểu bàn về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong lãng phí đất đai

Đất Đai QUỐC HỘI
14:15 - 27/10/2022
Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà (Bắc Giang) có thời gian thực hiện từ 2012 - 2015 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà (Bắc Giang) có thời gian thực hiện từ 2012 - 2015 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
0:00 / 0:00
0:00
Một quyền lực rất lớn được trao cho cơ quan Nhà nước trong vấn đề quản lý đất đai, tuy nhiên thời gian qua, vẫn tồn tại những bất cập gây lãng phí, thất thoát nguồn lực quan trọng này. 

Đề cập đến vấn đề đất đai trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 27/10, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nhận định, thể chế của Việt Nam có đặc thù nhất định. Hiến pháp đã quy định rất rõ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý.

Như vậy, một quyền lực rất lớn được trao cho cơ quan Nhà nước, làm sao để sử dụng đất đai cho hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, trong lĩnh vực quản lý đất đai vẫn còn nhiều vướng mắc.

Hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Trong giai đoạn vừa qua, xét dưới góc độ thu ngân sách thì có tăng, nhưng cơ bản số tăng thu là từ thị trường sơ cấp, với 67% là tiền sử dụng đất, hơn 15% là tiền thuê đất. Số thu tăng thêm từ đầu tư trên đất không tăng cao.

Lãng phí đất đai cũng là thực trạng tiêu cực, khi đại biểu Mai dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trên phạm vi toàn quốc hiện nay hơn 700 triệu mét vuông đất đang để hoang hoá, sử dụng sai mục đích. Qua giám sát tại 7 địa phương thì có đến hơn 1.700 dự án được coi là dự án treo, tương ứng hơn 12.000 hecta đất.

Ngoài nguyên nhân về luật, đại biểu đề cập đến trách nhiệm quản lý Nhà nước, trong đó lối tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí đất đai lớn. Nhiều địa phương sau mỗi một nhiệm kỳ thì số lượng các dự án treo lại tăng thêm.

Thứ hai là tình trạng lạm dụng quyền lực trục lợi cá nhân. Bà Mai dẫn báo báo cáo số 559 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy có biểu hiện lợi ích nhóm ở một số địa phương, vi phạm pháp luật về đấu thầu, giao đất không qua đấu giá.

Thứ ba là trách nhiệm trong bộ máy công quyền trong một số trường hợp chưa cao. Còn một bộ phận thờ ơ, thiếu trách nhiệm.

Việc giải quyết các vướng mắc về đất đai không chỉ thuộc trách nhiệm địa phương mà còn là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên khi có vướng mắc, các địa phương gửi văn bản đề nghị giải quyết thì câu trả lời thường là "cứ giải quyết theo quy định của pháp luật. Như vậy, vướng mắc không thể giải quyết. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai

Bên cạnh đó là tâm lý e dè, lo lắng, sợ trách nhiệm, tạo sức ỳ, dẫn tới sự trì trệ trong cơ quan công quyền. "Từ thực trạng trên có thể dễ hiểu tại sao tại thời điểm hiện nay, có dự án trải qua hàng chục năm vẫn không tháo gỡ được vướng mắc", đại biểu nhận định.

Theo bà Mai, rất nhiều vướng mắc là hệ quả kéo dài từ trước và hiện bộ máy đang tích cực giải quyết; nhưng đất đai là vấn đề phức tạp, không phải một sớm một chiều có thể xử lý. Đại biểu đề xuất cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý vướng mắc về đất đai, đưa ra lộ trình cụ thể, thời hạn cụ thể, được nghị quyết hoá vì đó là thước đo mức độ hoàn thành công việc của cơ quan công quyền.

Về thể chế, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về luật đất đai. Hiện có rất nhiều ý tưởng mới, nhưng đại biểu cho rằng cần có trọng tâm, trọng điểm; chỉ cần giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện tại đã là thành công lớn.

Về trách nhiệm, cần xử lý nghiêm với lối tư duy nhiệm kỳ, đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch giữa đúng – sai, không tạo tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng cho cán bộ. Bên cạnh đó là cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát để đảm bảo không lạm dụng quyền lực cá nhân.

Vấn đề dễ sai nhất là xác định giá đất

Trong phần phát biểu về thực trạng sợ sai, trách nhiệm trong bộ máy công quyền, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Một là đâu đó còn chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với các vấn đề, đối với vấn đề này áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác thì lại sai.

Hai là cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đã được Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 14 ngày 22/9/2021, nhưng chủ trương đúng đắn đó chưa được cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật, nên vẫn còn tình trạng cán bộ ngại trong quá trình công tác, họ làm cầm chừng, không dám đột phá.

Đại biểu đưa ra dẫn chứng một trong những vấn đề dễ sai nhất, đó là xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, việc xác định giá đất hầu như bằng các yếu tố giả định nên không chính xác.

Tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022 đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường liên quan đến đấu giá đất; Bộ trưởng có phát biểu, phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo quy định tại Nghị định 44 và Thông tư số 36 ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên Môi trường là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi.

Tuy nhiên, đến nay các quy định trên vẫn chưa sửa đổi và thực tế ở các địa phương có nhiều dự án lớn và rất lớn vẫn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư, nếu không có giải pháp quyết liệt thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khó hoàn thành.

Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi. Dự kiến, Dự án Luật này sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Tin liên quan

Đọc tiếp