Đại biểu đề nghị quy định số lượng các cuộc thanh tra trong năm

THANH TRA QUỐC HỘI
14:17 - 25/10/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu cho rằng cụm từ không chồng chéo, trùng lặp được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương.

Vấn đề thanh tra chồng chéo, trùng lặp được nhiều đại biểu đề cập trong buổi thảo luận về dự án Luật Thanh tra sửa đổi tại Quốc hội sáng nay (25/10).

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) góp ý về một số quy định còn chồng chéo như về nhiệm vụ quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ với nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh trong xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về thẩm quyền xử lý trong trường hợp này.

Cũng theo đại biểu, khi xảy ra trường hợp chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở hoặc Thanh tra huyện thì chỉ nên quy định Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh là phù hợp, đúng thẩm quyền, tập trung một đầu mối ở địa phương để dễ thực hiện, tránh sự rườm rà về mặt thủ tục tương tự.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc), tại Điều 53 dự thảo Luật chỉ rõ, khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện.

Tuy nhiên, điều luật vẫn chưa quy định rõ cơ chế xử lý chồng chéo, nếu hai cơ quan không thống nhất được với nhau thì sẽ xử lý ra sao. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, làm rõ thêm nội dung này.

Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 53 cũng quy định việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở… Tuy nhiên, các quy định này cũng chưa thật sự tường minh. Do đó, cần quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo giữa thanh tra Bộ và thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và các cơ quan thanh tra.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho biết, thanh tra chuyên ngành đã được đề cập tới ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, có sự chồng chéo giữa pháp luật về thanh tra và pháp luật chuyên ngành. Phần lớn các luật chuyên ngành đều có phần đề cập đến thanh tra chuyên ngành, quy định rõ mục đích, khái niệm, nội dung thanh tra chuyên ngành.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ chế định thanh tra chuyên ngành trong luật thanh tra để thống nhất điều chỉnh hệ thống thanh tra chuyên ngành trên toàn quốc thuộc mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Thực tế hiện nay, có nhiều hoạt động thanh tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh, như kiểm tra chuyên ngành, giám sát an toàn, kiểm tra nhà nước, kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn khái niệm thanh tra chuyên ngành, như định nghĩa, giải thích từ ngữ, mục đích thanh tra chuyên ngành gắn với đặc điểm tính chất và yêu cầu quản lý nhà nước chuyên ngành, làm rõ tầm quan trọng để hoàn thiện chế định về thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) nêu ý kiến, Luật Thanh tra là luật chuyên ngành về hoạt động thanh tra, còn hoạt động kiểm tra đã có các văn bản khác điều chỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét không quy định nội dung kiểm tra trong Điều 6 và các cái điều luật khác trong dự thảo Luật nhằm tách bạch các hoạt động thanh tra và kiểm tra.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, cụm từ không chồng chéo, trùng lặp được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy, tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Quochoi

Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với lại bộ, ngành, địa phương.

Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề xử lý chồng chéo, trùng lặp nêu trên; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

Dự thảo Luật quy định rõ, mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm. Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục phối với cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi trình Quốc hội xem xét thông qua với chất lượng tốt nhất.

Đọc tiếp