Đại biểu Quốc hội: 'Có đơn vị đi dự thầu chỉ để trượt'

Đấu thầu QUỐC HỘI
13:52 - 08/11/2022
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn).
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn).
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu nêu thực trạng liên minh “quân xanh quân đỏ” để thông thầu. Đây vẫn là mảng tối trong công tác đấu thầu thời gian qua, tạo ra nhiều cuộc thầu nội bộ, thiếu tính cạnh tranh.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành cả ngày 8/11 để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) chỉ ra 5 chiêu trò lách luật phổ biến trong hoạt động đấu thầu thời gian qua.

Thứ nhất là hình thức chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhất là với trường hợp cấp bách hoặc các khoản chi nhỏ, Luật Đấu thấu đã quy định các trường hợp chỉ định thầu, quy định các hạn mức áp dụng chỉ định thầu là dưới 100 triệu, dưới 500 triệu và dưới 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên lách quy định này, tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng chỉ định thầu diễn ra rất phức tạp trên thực tế và đã được thể hiện trong nhiều kết luận thanh tra, kết luận kiểm tra các vụ án, vụ việc.

Đại biểu lấy ví dụ về một vụ việc nêu nhiều trong thời gian vừa qua liên quan đến một bệnh viện đa khoa của tỉnh. Kết luận thanh tra tỉnh chỉ rõ, tổng giá trị hàng hoá mua sắm chỉ hơn 95 tỷ đồng nhưng giám đốc bệnh viện đã ban hành tới 1.165 quyết định chỉ định thầu với giá trị của mỗi gói thầu chỉ dưới 100 triệu đồng, mục đích nhằm tránh đấu thầu.

Hai là cài cắm các điều khoản vào đấu thầu. Quy định về hồ sơ mời thầu là để chọn được nhà thầu tốt nhất tuy nhiên theo đại biểu Thủy, nếu có ý đồ thì đây chính là chốt chặn để loại bỏ những nhà đầu tư không mong muốn. Thực tế có nhiều chủ đầu tư cài vào các điều khoản hướng tới nhà thầu thân hữu và loại bỏ các nhà thầu khác, từ đó biến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế.

Thứ ba là thiết lập liên minh “quân xanh quân đỏ” để thông thầu. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu tình trạng có tình trạng một số nhà thầu chuyên đi dự thầu chỉ để trượt, để dọn đường trúng thầu cho một nhà thầu đã được chỉ định sẵn.

Bên cạnh đó là tình trạng tiếp tay của bên mời thầu, chủ đầu tư, tạo vở kịch đấu thầu với sự tham gia của những “quân xanh quân đỏ”. Hệ luỵ là các doanh nghiệp chân chính không được cạnh tranh sòng phẳng, chất lượng công trình dự án không đảm bảo.

Quang cảnh một cuộc đấu thầu. Ảnh minh họa

Quang cảnh một cuộc đấu thầu. Ảnh minh họa

Thứ tư là tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu. Từ các vụ án vừa qua cho thấy, nếu chỉ nhìn vào hồ sơ thì tất cả đều đúng quy trình, chỉ khi đi sâu vào phá án mới phát hiện sự móc ngoặc một cách tinh vi giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá và đơn vị trúng thầu, thổi giá tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực.

Như vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giá một máy stent nhập khẩu từ Ấn Độ về chỉ có 8-11 triệu đồng, nhưng giá giá thẩm định và giá trúng thầu đã vọt lên 36-42 triệu đồng. Cả tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của đơn vị thẩm định giá đã bị khởi tố.

Rất nhiều vụ án khác liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua cũng đã khởi tố, tuyên án đối với cả cấp thẩm định giá với vai trò đồng phạm. Có thể thấy pháp luật đã trao cho tổ chức thẩm giá chức năng quá lớn trong khi các quy định về hậu kiểm còn hạn chế.

Thứ năm là hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thấu. Tình trạng vi phạm, lách các quy định pháp luật như nêu trên đều có thể tiềm ẩn và hướng tới nguy cơ tham nhũng trục lợi.

Kết quả khảo sát của VCCI năm 2021 cho thấy, có tới 25% doanh nghiệp được khảo sát cho thấy họ chủ động chi trả các chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu, 10,3 % doanh nghiệp chi trả theo gợi ý của cán bộ phụ trách đấu thầu. Đáng lưu ý là có gần 59% doanh nghiệp cho biết việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là luật bất thành văn mà doanh nghiệp phải tự hiểu khi tham gia đấu thầu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đấu thầu nếu không được quy định và quản lý chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho tham nhũng hoạt động. Liên tiếp các vụ việc vi phạm trong đấu thầu vừa qua đã phản ánh thực tế này. Do đó, đại biểu kiến nghị các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện, xử lý.

Theo bà Thủy, công khai sẽ là giải pháp của mọi giải pháp, có tác dụng hữu hiệu để khắc phục tình trạng “đi đêm” trong đấu thầu. Pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực đấu thầu đã có quy định về công khai nhưng chưa chặt chẽ, còn kẽ hở để lách luật.

Ở kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu. Đại biểu kiến nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện và bảo đảm thực hiện chặt chẽ việc công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện tham gia dự thầu, danh sách và năng lực của những nhà thầu, điều kiện trúng thầu, quá trình trúng thầu, kết quả trúng thầu, kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu.

Trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 trước Quốc hội sáng 8/11, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sai phạm trong hoạt động đấu thầu là vấn đề nổi lên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thời gian qua.

Cơ quan điều tra đã làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần.

Liên quan đến Vụ Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố 26 bị can; công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ/63 bị can. C03 cũng đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC.

Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố 5 đối tượng chia nhỏ gói thầu, lập chứng từ mua bán thiết bị giáo dục gây thiệt hại 15 tỷ đồng; Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Sơn.

Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng; Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố 5 bị can về tội “vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản” trong đấu giá quyền sử dụng đất, gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng...

Tin liên quan

Đọc tiếp