Đại biểu Quốc hội 'truy' Bộ Công Thương về khan hiếm xăng dầu

THANH TRA QUỐC HỘI
12:14 - 05/11/2022
Đại biểu Quốc hội 'truy' Bộ Công Thương về khan hiếm xăng dầu
0:00 / 0:00
0:00
Tại nghị trường, đại biểu nêu hiện trạng hàng loạt cây xăng ở Hà Nội, TP HCM không bán hoặc bán rất ít xăng dầu. Bộ trưởng Công Thương bày tỏ hy vọng, bằng những giải pháp đang thực thi, những ngày tới tình hình xăng dầu cơ bản được giải quyết.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 5/11, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu tình trạng hiện nay nhiều cây xăng ở Hà Nội, TP HCM không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500 - 600.000 đồng đối với một ô tô, gây bức xúc cho người dân.

Đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo thanh tra đột xuất việc cung ứng xăng dầu tại hai thành phố này chưa?

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Trả lời đại biểu Hoàng Anh, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, vừa qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra kinh doanh xăng dầu. Ngành đã và đã tiến hành thanh tra, góp phần cùng Bộ Công Thương chỉ ra tồn tại, hạn chế bất cập, bình ổn giá xăng dầu.

Cũng liên quan đến xăng dầu, tham gia cùng trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay vấn đề xăng dầu đã được báo cáo đầy đủ tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 28/10 vừa qua. Bộ trưởng nhận định tình hình, phân tích nguyên nhân và có giải pháp.

"Đến nay nhóm giải pháp đề ra vẫn còn nguyên giá trị", Bộ trưởng Diên khẳng định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công Thương, những ngày qua, tình hình xăng dầu trên toàn thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến mới. Nguồn cung cho xăng dầu của thế giới ngày càng khan hiếm bởi châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính là OPEC+ và Nga. Lý do từ ngày 25/11 tới, phương Tây áp lệnh trừng phạt lần thứ 8 lên Nga và cấm tuyệt đối việc mua bán xăng dầu của Nga đối với những nước thuộc điều chỉnh của phương Tây.

Bộ trưởng cũng cho biết tỷ giá ngoại tệ mạnh để có thể nhập khẩu được lượng xăng dầu như USD và Euro liên tục thay đổi đều tăng 0,75% trong tuần qua. Dự báo, tỷ giá này có thể tiếp tục điều chỉnh trong một vài tuần tới lên tới ngưỡng 4,25% đối với đồng USD và ngưỡng trên dưới 5% với đồng Euro. Đây là những khó khăn cho những doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Trong khi đó, việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh nhập hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cũng còn khó khăn, do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng. Theo đó, tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra thêm ở một số nơi.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên tham gia giải trình.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên tham gia giải trình.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng vào cuộc và các ngành chức năng đều đã và đang làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước và các ngành chức năng đã hiệu quả hơn.

Ngay trong chiều 4/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính để trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới thì sẽ cập nhật những chi phí phát sinh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cụ thể cho các ngân hàng thương mại xem xét, giải quyết đối với những doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và bảo lãnh cho việc thanh toán.

Mặt khác, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp với cơ quan chức năng tại địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định hiện hành. Bộ đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành để giải quyết một cách dứt điểm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ hy vọng, với những nỗ lực trên thì trong những ngày tới tình hình xăng dầu cơ bản được giải quyết.

"Đến giờ này, sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đã đạt 86% kế hoạch cả năm. Như vậy, nguồn cung là hoàn toàn bảo đảm. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế khả quan, nhu cầu tăng thêm với mặt hàng xăng dầu cũng rất lớn. Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành tăng thêm 20% sản lượng bình quân hàng năm, sản lượng xăng dầu trong nước dự kiến lên đến 21 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu cả nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nghiên cứu rút kỳ điều chỉnh xăng dầu xuống 5 ngày hoặc điều chỉnh theo ngày

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc khắc phục tình trạng rối loạn thị trường xăng dầu ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế cho thấy, quy định của Nghị định 95/2021/NQ-CP về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ đã không còn phù hợp.

Đại biểu Trí đề nghị Bộ Công Thương xem xét. Bên cạnh đó, vấn đề là về cấp các loại giấy phép trong thời gian qua, đại biểu cho rằng, Bộ Công Thương đã cấp phép quá nhiều đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu dẫn đến hệ lụy khó quản lý. Đại biểu đề nghị Bộ xem xét lại vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Trả lời phần tranh luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, điều hành giá xăng dầu phải thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó 10 ngày một lần điều chỉnh giá xăng dầu một lần và căn cứ điều chỉnh là tính giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới. Đây là quy định thực hiện trong lúc bình thường.

Tuy nhiên, như đã phát biểu trước Quốc hội vào ngày 28/10, thị trường xăng dầu có những dị biệt, nhất là trong bối cảnh thế giới hỗn loạn cho nên quy định trên đã bộc lộ những khiếm khuyết. Chính phủ đã nhận thấy điều này và đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu để mà sửa Nghị định 95 để phù hợp với thực tiễn. Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, thế giới thay đổi hằng ngày, thậm chí là hàng giờ nên dù có cố gắng đến đâu thì quy định pháp luật bao giờ cũng có độ trễ so với thực tiễn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, hệ thống kinh doanh xăng dầu của Việt Nam hiện nay đa tầng nấc, dẫn đến rối, nhất là trong bối cảnh phức tạp nên làm tăng chi phí. Do đó, trong thời gian tới, sẽ sắp xếp lại hệ thống từ đầu mối đến đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tham mưu để cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Nếu 10 ngày không phù hợp thì phải rút xuống 5 ngày hoặc điều chỉnh theo ngày.

Trước đó vào giữa tháng 10/2022, Thanh tra Chính phủ đã ban hành quyết định thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu tại Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn và các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

Đoàn sẽ thực hiện thanh tra trong thời kỳ từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2022, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra của đoàn là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị.

Các doanh nghiệp đầu mối thuộc diện thanh tra như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty TNHH Petro Bình Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP, Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Đọc tiếp