Đại biểu sốt ruột về giải ngân đầu tư công: Dự án nhóm A thủ tục mất gần 2 năm

ĐẦU TƯ CÔNG QUỐC HỘI
12:18 - 27/10/2022
Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng).
Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng).
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến của đại biểu bày tỏ băn khoăn và sốt ruột khi tình hình giải ngân vốn đầu công còn chậm chạp.

Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cho biết, năm 2022 triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, cùng với đó là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề vướng mắc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như pháp luật chưa đồng bộ, khả thi; ý thức tôn trọng kỷ cương còn kém...

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu chỉ ra thể chế chính sách còn bất cập, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Từ khi hình thành dự án đến thi công trải qua nhiều thủ tục, như công tác giải phóng mặt bằng phải trải qua 12 bước; dự án nhóm A nếu thực hiện đúng trình tự, thủ tục mất thời gian gần 2 năm; dự án nhóm B, nhóm C mất 9-10 tháng, đó là chưa kể có vướng mắc.

Theo đại biểu, thủ tục trình tự triển khai dự án được quy định ở nhiều văn bản pháp luật có liên quan như Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật đấu thầu, Luật đầu tư công. Mỗi giai đoạn phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự thủ tục, cộng thêm nhiều quy định chồng chéo, bất cập khiến mất thêm thời gian.

Thủ tục để triển khai dự án còn bất cập gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Thủ tục để triển khai dự án còn bất cập gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Từ thực tế trên, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của năm 2022 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023. Nguyên nhân do nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giao muộn, các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, vốn sự nghiệp giao một số nhiệm vụ quá thời hạn.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp pháp hiệu quả hơn nữa để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân. Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng, giải ngân các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra phải cắt giảm chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao.

Đối với dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, cần kịp thời điều chỉnh chủ trương để sớm điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh vốn phân bổ.

Các chủ dự án, Ban quản lý dự án phải có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên)

Kỳ vọng Luật đất đai sửa đổi tháo điểm nghẽn

Trước đó, thảo luận tại tổ ngày 22/10, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có giải ngân từ nguồn vốn vay chỉ đạt 19,3% là rất thấp. Trong khi đó, đây là vốn đi vay, chi phí vốn rất cao. Nếu không đưa vào được nền kinh tế thì hết sức lãng phí cả về tiền bạc lẫn cơ hội.

Đề xuất về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu nêu việc TP Hà Nội đã xây dựng cơ chế đặt hàng là giải pháp khả thi để đạt cùng lúc 2 mục tiêu. Ông Cường nêu ví dụ, chúng ta đang cần có các hệ thống như đường sắt đô thị.

Nếu đặt hàng một tập đoàn mạnh trong nước xây dựng thì không bị lệ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài và tự chủ trong việc phát triển đường sắt đô thị. Việc này vừa giải quyết được vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trước mắt và thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thì kỳ vọng lần sửa đổi Luật đất đai này sẽ giúp phần nào giải quyết điểm nghẽn đầu tư công. Bởi vướng mắc hiện nay phần lớn là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng có nhiều vấn đề. Việc đền bù đất tại rất nhiều dự án vướng mắc khiến cả dự án chậm trễ, tiến độ giải ngân cả dự án cũng vì vậy không đạt mục tiêu đề ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp