Đại biểu thảo luận về cách đảm bảo minh bạch trong hoạt động đấu thầu

Đấu thầu QUỐC HỘI
12:03 - 15/11/2022
Hoạt động đấu thầu thời gian qua còn nhiều bất cập về tính minh bạch. Ảnh minh họa
Hoạt động đấu thầu thời gian qua còn nhiều bất cập về tính minh bạch. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại biểu Quốc hội, trong hoạt động đấu thầu, tính minh bạch, công bằng cần được đề cao và thực hiện nghiêm chỉnh. Tuy nhiên đây cũng là điểm còn nhiều bất cập trong thời gian qua khi có tình trạng thông thầu, nâng khống giá, hối lộ...

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng ngày 15/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi. Nhiều đại biểu góp ý, đề xuất các giải pháp để tăng cường tính minh bạch trong công tác đấu thầu.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) đề nghị ban soạn thảo bổ sung một số tổ chức giám sát thực hiện để đảm báo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đồng thời quy định rõ trách nhiệm trong trường hợp huỷ thầu.

Theo đại biểu, tại Khoản 4, Điều 17 quy định tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là quy định quan trọng góp phần tạo tính cạnh tranh, minh bạch của hoạt động đấu thầu; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu tham dự thầu.

Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ về cơ chế đền bù chi phí như thế nào, các bên liên quan phải khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại trước pháp luật dân sự hay theo trình tự, thủ tục nào. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng và cụ thể hơn về vấn đề đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu trong các trường hợp trên.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) thì đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong trường hợp hủy thầu gây tổn hại cho nhà thầu, chậm tiến độ dự án và gây thiệt hại cho Nhà nước. Nếu việc hủy thầu không chính đáng, thậm chí không có trong quy định của luật thì cần phải có chế tài chế tài xử lý.

Bên cạnh đó, đại biểu Nga đề xuất Chính phủ khi ban hành Nghị định quy định giá trị các gói thầu nên đánh giá sát hợp với điều kiện thực tiễn các gói thầu quy mô nhỏ có sự tham gia của cộng đồng với hạn mức là 5 tỷ. Thực tế cho thấy, công trình xây dựng có sự tham gia giám sát của nhân dân thì công trình sẽ có chất lượng rất tốt.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga. Ảnh: Quochoi

Bà Nga cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ chủ thể là người có thẩm quyền thực hiện công tác giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu được quy định tại Điều 87 của dự thảo Luật về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu. Đồng thời đề xuất ban soạn thảo bổ sung chủ thể giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, hạn chế lớn nhất trong đấu thầu trong thời gian vừa qua là số lượng tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng (bình quân hơn 1 hồ sơ). Điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh không cao, nguyên nhân có thể thông tin được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia.

Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị việc hạn chế việc cài cắm thông tin cần quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu. Trong Luật Đấu thầu nên dành một chương quy định thật chi tiết những nội dung của hồ sơ mời thầu.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) đề cập đến vai trò của tổ chức thẩm định.

Tại Điều 79 về trách nhiệm của tổ chức thẩm định, khoản 2 có quy định rằng, tổ chức thẩm định có trách nhiệm: Hoạt động độc lập, khách quan khi tiến hành thẩm định; Yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan; Bảo mật các tài liệu trong quá trình thẩm định; Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm trách nhiệm của tổ chức thẩm định trong dự án Luật. Cụ thể, tổ chức thẩm định phải chịu trách nhiệm chính về tính đúng đắn của dự án, đồ án, kiến trúc, kết cấu, khối lượng, đơn giá, và phải chịu trách nhiệm chính trước cơ quan thanh tra kiểm toán khi có kết luận sai phạm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải chịu bồi thường thiệt hại.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Đoàn Thị Lê An. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu rõ về đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, Điều 6 dự thảo Luật có quy định, nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính để đảm bảo tính bình đẳng. Tuy nhiên, khoản 4 lại quy định nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này.

Đại biểu cho rằng, cần quy định nhà thầu được chỉ định thầu phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này, để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc ưu ái quá mức trong chỉ định thầu.

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) thì đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung tư cách hợp lệ của nhà thầu phụ, để tránh tình trạng các nhà thầu chính sử dụng năng lực, thậm chí các mối quan hệ thân quen để tham dự các gói thầu, sau đó mua bán, chuyển nhượng hoặc đưa các nhà thầu có năng lực yếu vào thực hiện làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Theo đại biểu, việc nhà thầu chính và nhà thầu phụ đã tồn tại nhiều năm song hành với nhau. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu phụ khi ký kết hợp đồng với nhà thầu chính.

Do vậy, để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị bổ sung các quy định trong dự thảo Luật về tư cách, tiêu chuẩn năng lực, kinh nghiệm các nhà thầu nói chung và các nhà thầu phụ nói riêng.

Trong phần phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về Luật Đấu thầu sửa đổi, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều các quy định để khắc phục tình trạng gian lận, thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.

Điển hình như bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để tránh hiện tượng cài cắm tiêu chí; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch; yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, trong đó bao gồm có cả các chất lượng hàng hóa và dịch vụ công trình và được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của các nhà thầu và chất lượng của các hàng hóa cung cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước...

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi

Bộ trưởng cho biết, khi xây dựng Luật Đấu thầu năm 2013 đã tiệm cận đến những thông lệ tốt của quốc tế và được đánh giá cao. Trên thực tế đã triển khai đạt được nhiều kết quả tốt nhưng vẫn còn những vướng mắc, bất cập. Do đó, việc sửa đổi lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện Luật, đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư.

Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội để rà soát, đảm bảo cho Luật thật rõ ràng, chi tiết, thuận lợi trong quá trình triển khai.

Tin liên quan

Đọc tiếp