Đại dịch đe doạ sinh kế của hơn 15 triệu lao động ngành du lịch châu Á

LAO ĐỘNG Việt nAM
08:05 - 23/11/2021
Sân bay Nội Bài "vắng như chùa Bà Đanh" trong đợt dịch COVID-19 tái bùng phát.
Sân bay Nội Bài "vắng như chùa Bà Đanh" trong đợt dịch COVID-19 tái bùng phát.
0:00 / 0:00
0:00
Gần 1/3 tổng số việc làm đã mất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương có liên quan đến ngành du lịch. Trong đó, 5 quốc gia gồm Brunei, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã mất 1,6 triệu việc làm ngành du lịch.

Nguy cơ mất việc cao gấp 4 lần so với ngành khác

Những số liệu thống kê mới nhất trong nghiên cứu "COVID-19 và việc làm trong ngành du lịch tại khu vực Châu Á–Thái Bình Dương" của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cho thấy, lao động ngành du lịch đã và đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc vì COVID-19 cao gấp 4 lần so với những ngành khác.

Sử dụng dữ liệu sẵn có của 14 quốc gia trong khu vực, nghiên cứu của ILO nhận thấy đại dịch COVID-19 đã đe dọa việc làm và sinh kế của ít nhất 15,3 triệu lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch.

ILO chỉ ra, có tổng cộng 5,3 triệu việc làm (trong tất cả các ngành) bị cắt giảm tại 5 quốc gia Brunei, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan, Việt Nam trong cùng thời kỳ. Điều này nghĩa là gần 1/3 số việc làm bị mất liên quan đến ngành du lịch (khoảng 1,6 triệu việc làm), và tỉ lệ thâm hụt việc làm trong ngành này cao gấp 4 lần so với các ngành khác (các ngành liên quan đến du lịch giảm 12,5% số việc làm trong khi các ngành khác giảm 3,1%).

Trong 5 quốc gia, Brunei phải chịu mức tổn thất nặng nề nhất về việc làm ngành du lịch năm 2020, khi 2/5 số việc làm bị mất đi (40,5%). Tiếp đến là Philippines với mức giảm 28,4% và Mông Cổ với 16,9%. Tại Thái Lan và Việt Nam, tỷ lệ giảm việc làm trong ngành du lịch lần lượt là 1,3% và 2,7%. Số liệu của ILO tính từ 2020 đến tháng 10/2021.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc ILO Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương trong thông cáo báo chí của tổ chức này phát hành ngày 18/11, đã gọi COVID-19 là một “thảm họa” đối với ngành du lịch ở ngay cả các quốc gia đặc biệt chú trọng tới tiêm chủng.

“Tác động của đại dịch COVID-19 tới ngành du lịch tại châu Á và Thái Bình Dương không khác gì một thảm họa. Ngay cả với những quốc gia trong khu vực đặc biệt chú trọng tới việc tiêm chủng và thiết kế những chiến lược dần mở cửa biên giới trở lại, việc làm và thời gian làm việc trong những ngành liên quan đến du lịch ở các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương trong năm tới có thể vẫn thấp hơn con số trước khủng hoảng”

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc ILO Khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Nghiên cứu của ILO xác nhận những tác động nặng nề mà đại dịch COVID-19 gây nên đối với việc làm trong ngành du lịch ở châu Á và Thái Bình Dương. Cụ thể, ở ngay cả những nơi mà du lịch vẫn được duy trì, chất lượng của những công việc hiện có vẫn giảm rõ rệt. Lao động nữ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do họ thường làm việc ở ngành phục vụ ăn uống và do nữ giới thường được trả lương thấp hơn nam giới.

Nguồn: Nghiên cứu "COVID-19 và việc làm trong ngành du lịch tại khu vực Châu Á–Thái Bình Dương"
Nguồn: Nghiên cứu "COVID-19 và việc làm trong ngành du lịch tại khu vực Châu Á–Thái Bình Dương"

Tổn thất thời giờ làm việc trong ngành du lịch cao hơn nhiều so với con số ước tính cho các ngành khác, theo đó số giờ làm việc bị giảm cao hơn 2 đến 7 lần so với lao động trong các ngành khác.

Năm 2020, số giờ làm việc bị giảm trong ngành này dao động ở mức 4% (Việt Nam) đến 38% (Philippines). Thêm vào đó, do việc làm chính thức trong ngành du lịch sụt giảm, tình trạng lao động chuyển dần sang khu vực phi chính thức ngày càng gia tăng.

"Cái giá thật sự của tình trạng giảm giờ làm việc chính là giảm lương. Nếu may mắn, những lao động bị yêu cầu giảm giờ làm việc hoặc tạm ngừng việc được nhận một phần lương của mình trong giai đoạn bị buộc nghỉ phép và một phần khoản trợ cấp tiền lương từ các chính phủ," thông cáo của ILO nêu rõ.

Nguồn: Nghiên cứu "COVID-19 và việc làm trong ngành du lịch tại khu vực Châu Á–Thái Bình Dương"
Nguồn: Nghiên cứu "COVID-19 và việc làm trong ngành du lịch tại khu vực Châu Á–Thái Bình Dương"

Theo ILO, có thể thấy sự sụt giảm mức lương trung bình của người lao động làm việc trong ngành liên quan đến du lịch thể hiện rất rõ tại Thái Lan và Việt Nam, hai nước có mức giảm lần lượt là 9,5% và 17,6%.

Ngay cả khi mở cửa biên giới trở lại, dự báo lượng khách du lịch quốc tế trước mắt vẫn sẽ thấp. Vì vậy, chính phủ các nước có thế mạnh về du lịch có thể phải tìm cách đa dạng hóa kinh tế hơn nữa, nhằm tạo thêm cơ hội việc làm mới trong những ngành không liên quan đến du lịch.

Chính phủ các nước trong khu vực đang dần nhận ra rằng khi tái mở cửa, du khách quốc tế có thể chuyển sự quan tâm sang các chuyến du lịch chuyên biệt, ưu tiên du lịch tại những địa điểm ít dân cư hơn và gần gũi thiên nhiên.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, tác giả của nghiên cứu này, bà Sara Elder, Chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO cũng chỉ ra rằng:

“Khi doanh thu từ du lịch chững lại và việc làm liên quan đến du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, đại dịch khiến chúng ta phải “cân nhắc lại” những chiến lược du lịch trung hạn và dài hạn. Cuộc khủng hoảng mang lại cơ hội điều chỉnh ngành du lịch hướng tới một tương lai có sức chống chịu tốt hơn và lấy con người làm trung tâm”, bà Sara Elder phát biểu trong thông cáo của ILO.

Du lịch chờ ngày phục hồi

Du lịch chờ ngày phục hồi

Dự kiến ngành du lịch có thể hoàn toàn phục hồi sớm nhất là năm 2023. Nghiên cứu của ILO cho thấy các quốc gia trong khu vực đang tập trung triển khai tiêm chủng và xây dựng các chiến lược mở cửa lại biên giới dần dần và hồi sinh ngành du lịch.

Biện pháp bong bóng du lịch đang được áp dụng rộng rãi hơn, kế hoạch sử dụng hộ chiếu vaccine đang thành hình và các yêu cầu cách ly đang được nới lỏng nhằm thu hút du khách đã tiêm chủng quay trở lại, đồng thời nỗ lực khuyến khích du lịch nội địa.

Tuy nhiên, con đường phía trước dự kiến sẽ còn dài và gập ghềnh, và số lượng việc làm cũng như thời gian làm việc trong các ngành liên quan đến du lịch tại các nước châu Á – Thái Bình Dương trong năm nay và năm sau nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước khủng hoảng.

Mất việc, giảm tiền lương là tác động lớn nhất tới lao động ngành du lịch Việt Nam

Theo báo cáo của ILO, ở Việt Nam, hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tới ngành du lịch chủ yếu thể hiện ở khía cạnh giảm tiền lương và gia tăng tình trạng việc làm phi chính thức. Tiền lương trung bình trong ngành du lịch giảm gần 18%, trong đó tiền lương của lao động nữ còn giảm nhiều hơn, ở mức gần 23%.

Trong khi số lao động phi chính thức trong ngành du lịch tăng 3% trong năm 2020, số lượng lao động chính thức giảm đến 11%.

Là một đơn vị hoạt động lâu năm trong ngành du lịch từ năm 2003 đến nay, ông Nguyễn Văn Tuyển, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn liên kết Hùng Vương (Việt Trì, Phú Thọ) đã có những chia sẻ với MEKONG ASEAN về khó khăn của công ty do ảnh hưởng của COVID-19.

Ông Tuyển cho biết: “Từ đầu năm 2021 đến giờ, công ty chỉ có duy nhất một đoàn khách. Dịch bệnh COVID-19 và những quy định phong tỏa, giãn cách đã khiến cho hoạt động của công ty gần như đóng băng. Tuy có những điểm du lịch được mở lại nhưng tâm lý mọi người còn e ngại nên cũng không thể cải thiện tình hình. Đến thời điểm này, công ty đã phải thanh lý nhiều hợp đồng với nhiều hướng dẫn viên du lịch và nhân viên thị trường.

Tour kết nối Tây Bắc do Công ty cổ phần tập đoàn liên kết Hùng Vương trước khi dịch COVID-19 bùng phát

Tour kết nối Tây Bắc do Công ty cổ phần tập đoàn liên kết Hùng Vương trước khi dịch COVID-19 bùng phát

Nói về thiệt hại của COVID-19 tới hoạt động của công ty, ông Tuyển bày tỏ: Dù không có nguồn thu, công ty vẫn cố duy trì một số nhân viên chờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động lại, bên cạnh đó là duy trì 70% phí đường bộ vận tải. Những hướng dẫn viên du lịch mất việc làm thường phải chuyển sang làm những ngành khác để kiếm sống như bán bảo hiểm, bán ô tô, làm dịch vụ giao hàng...

Dưới cái nhìn thực tế của một hướng dẫn viên du lịch hoạt động ở khu vực Kiên Giang, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, anh Hoàng Dũng cũng có những tâm tư về công việc phải tạm dừng gần 02 năm nay của mình.

Anh Dũng cho biết, từ tháng 04/2020 đến nay, công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hầu như không thể có việc thường xuyên, thậm chí đến đầu năm 2021 thì phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

“Hệ lụy lớn nhất của COVID-19 tới công việc của một hướng dẫn viên du lịch là bị giảm số giờ làm và từ đó giảm thu nhập. Đầu năm 2020, có đến 70% đồng nghiệp của tôi đã chuyển sang các công việc “tay trái”, số còn lại tiếp tục chờ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020 thì hầu như các hướng dẫn viên đều phải tìm việc làm khác, thường là bán cà phê, bán đồ ăn, làm bất động sản, làm bảo hiểm”, anh Dũng chia sẻ với MEKONG ASEAN.

Tin liên quan

Đọc tiếp