'Đại gia' Thái Lan đầu tư 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam

Central Retail bán lẻ
10:39 - 12/07/2022
Central Retail vận hành mảng bán lẻ của Central Group.
Central Retail vận hành mảng bán lẻ của Central Group.
0:00 / 0:00
0:00
Trong thông báo mới nhất, Central Retail cho biết sẽ đầu tư 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới nhằm đạt mục tiêu doanh thu 65.000 tỷ đồng, sau khi đã dần thâu tóm một số chuỗi bán lẻ lớn.

Theo ông Olivier Langlet - Tổng Giám đốc tập đoàn Central Retail Việt Nam, năm 2012, Central Retail chính thức đầu tư vào Việt Nam khi nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển kinh doanh mạnh mẽ tại đây. Thực tế, Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược trọng điểm của Central Retail, với sự tăng trưởng nhảy vọt qua từng năm, đạt doanh thu gần 38.6 tỷ Baht (hơn 25.000 tỷ đồng) trong vòng 10 năm, chiếm 22% tổng doanh thu của Central Retail.

Central Retail (CRC) là công ty con của Central Group - tập đoàn gia đình nổi tiếng tại Thái Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng. CRC cung cấp các sản phẩm đa lĩnh vực trên nhiều mô hình như cửa hàng bách hoá, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đặc sản, siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại và mua sắm trực tuyến thông qua các nền tảng đa kênh. Hoạt động của công ty này bao gồm 4 phân khúc: Thực phẩm, Thời trang, Điện tử – Gia dụng và Bất động sản.

Năm 2012, Central Retail bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bằng mảng kinh doanh mặt hàng thời trang. Sau đó, công ty này thông qua các công ty trung gian khác liên tục thực hiện các phi vụ thâu tóm đình đám.

Đáng chú ý nhất là thương vụ mua lại BigC từ Tập đoàn Casino đến từ Pháp vào năm 2016, với mức giá hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Central Retail một mặt mở rộng chuỗi siêu thị này, mặt khác tỏ rõ mong muốn đổi tên Big C trong năm 2017. Tuy nhiên, tới đầu năm 2021, Central Retail mới thực hiện được kế hoạch này.

Từ ngày 1/3/2021, 3 siêu thị Big C tại TP.HCM (hiện là các siêu thị đặt tại các tòa chung cư), bao gồm: Big C An Phú, Big C Thảo Điền và Big C Âu Cơ được đổi thành Tops Market. Ngoài ra, 5 siêu thị GO! cũng đã hoàn tất quá trình đổi tên. Theo Central Retail, 7 siêu thị Big C nằm trong các tòa nhà sẽ được đổi tên mới là Tops Market và 5 đại siêu thị Big C hoàn tất đổi tên thành GO!. Việc đổi tên lần này nhằm mang đến "một diện mạo hoàn toàn mới".

BigC "khoác áo mới" sau khi về tay Central Retail.

BigC "khoác áo mới" sau khi về tay Central Retail.

Thương vụ thứ hai là thâu tóm Nguyễn Kim, hệ thống siêu thị điện máy do CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT vận hành. Năm 2015, CRC bắt đầu đầu tư vào Nguyễn Kim với 49% cổ phần. Đến tháng 6/2019, CRC thông qua các công ty liên quan tiếp tục mua lại toàn bộ 51% cổ phần còn lại, chính thức thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy này. Giá trị thương vụ theo Central Retail là 2.600 tỷ đồng bao gồm 2.250 tỷ đồng tiền mặt và 350 tỷ đồng được hạch toán vào khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp.

Bên cạnh Nguyễn Kim và BigC, Central Retail còn mua lại 2 trung tâm thương mại thời trang Robins tại Hà Nội và TP HCM năm 2014, thâu tóm hệ thống Lanchi Mart với 25 siêu thị.

Hiện Central Retail là nhà bán lẻ chiếm thị phần cao nhất trong mảng đại siêu thị, nắm giữ 62% thị phần ở phân khúc này tại Việt Nam. Ngoài ra, kế hoạch mở rộng trong mảng kinh doanh phi thực phẩm và trung tâm thương mại/bất động sản được xem là trọng tâm chính giúp Central Retail được công nhận là doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.

Năm 2021, Central Retail cho biết đã dành khoảng 6,6 tỉ baht (211 triệu USD) để phát triển, mở rộng với kế hoạch mở mới 4 trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! tại Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình và Lào Cai và 1 siêu thị mini GO! ở Tây Ninh.

Số liệu giai đoạn 2016-2018 cho thấy doanh thu bình quân mỗi năm (CAGR) tại thị trường Việt Nam của Central Retail tăng trưởng 19,8%. Năm ngoái, doanh thu Central Retail Việt Nam đạt hơn 27.000 tỷ đồng, tương đương với ngưỡng doanh thu của các đại gia bán lẻ khác như Wincommerce, Bách Hóa Xanh và Saigon Co.op.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam đã tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 6/2022, mức độ di chuyển của người dân đến các địa điểm bán lẻ và vui chơi giải trí đã phục hồi về mức trước dịch bệnh, đánh dấu sự trở lại giai đoạn tăng trưởng tiêu dùng Việt Nam sau thời gian 2 năm bị ảnh hưởng.

Công ty chứng khoán VNDirect dự báo ngành bán lẻ sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng với 3 xu hướng chính. Một là sự chuyển hướng sang bán lẻ hiện đại rõ ràng hơn sau đại dịch, giúp các chuỗi bách hóa hiện đại tăng trưởng mạnh hơn. Hai là các nhà bán lẻ lớn đang không ngừng mở rộng sang các thị trường bán lẻ như dược phẩm hoặc thị trường mẹ và bé. Và ba là sự trở lại của các công ty kinh doanh bất động sản bán lẻ nhờ dịch vụ được hồi phục.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.