Đàm phán Nga - Ukraine đang 'thắp lên hy vọng’ hòa bình

đàm phán Nga - Ukraine
18:56 - 16/03/2022
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu vào ngày 16/3 tại Kiev, Ukraine. Ảnh: ABACA/Reuters)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu vào ngày 16/3 tại Kiev, Ukraine. Ảnh: ABACA/Reuters)
0:00 / 0:00
0:00
Cả Nga và Ukraine đều đưa ra đánh giá tích cực hơn về các cuộc đàm phán hòa bình mới nhất. Mặc dù tiến trình này còn nhiều khó khăn nhưng đã thấy hy vọng thỏa hiệp khi các phái đoàn hai bên chuẩn bị cho một vòng đàm phán mới.

Hãng tin CNBC dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/3 cho biết, các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Ukraine với Nga về việc chấm dứt xung đột quân sự ở Ukriane đang bắt đầu “thực tế hơn”.

Trong một phát biểu trước quốc gia bằng video, ông Zelensky nhấn mạnh “khi tất cả chúng ta đều muốn hòa bình” thì những nỗ lực để chấm dứt các hành động thù địch là cần thiết. Ông nhận định các cuộc đàm phán “cần có sự kiên nhẫn”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Denys Shmyhal tham dự cuộc họp với ba nhà lãnh đạo EU (Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovenia) đến thăm Kiev, Ukraine ngày 15/3. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Denys Shmyhal tham dự cuộc họp với ba nhà lãnh đạo EU (Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovenia) đến thăm Kiev, Ukraine ngày 15/3. Ảnh: Reuters

“Bất kỳ cuộc chiến nào cũng kết thúc bằng một thỏa thuận. Các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục. Như tôi đã thông báo, một số quan điểm trong các cuộc đàm phán nghe có vẻ thực tế hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để đưa ra các quyết định có lợi cho Ukraine", Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.

Cùng ngày, ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Zelensky và trưởng phái đoàn đàm phán Ukraine, cũng gửi tín hiệu tích cực trên Twitter: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày mai. Quá trình đàm phán diễn ra khó khăn vì còn tồn tại những mâu thuẫn căn bản. Tuy nhiên chắc chắn có chỗ cho sự thỏa hiệp".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng báo hiệu “sự lạc quan” đối với các cuộc đàm phán diễn ra giữa Nga và Ukraine và cho biết một số điều khoản thỏa thuận với Ukraine sắp được hoàn thiện.

Những người sơ tán khỏi Mariupol được đang lánh nạn ở ngoại ô Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 15/3. Ảnh: AFP/Getty Images
Những người sơ tán khỏi Mariupol được đang lánh nạn ở ngoại ô Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 15/3. Ảnh: AFP/Getty Images

Phát biểu với hãng tin RBC của Nga, ông Lavrov nhận xét: “Mặc dù các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine không hề dễ dàng, nhưng vẫn có một số hy vọng đạt được thỏa hiệp. Tình trạng trung lập của Ukraine hiện đang được thảo luận nghiêm túc trong các cuộc đàm phán kết hợp với các vấn đề an ninh khác”.

Người đứng đầu ngoại giao Nga cũng đề cập đến việc sử dụng tiếng Nga ở Ukraine - điều mà ông gọi là vấn đề tự do ngôn luận. Đồng thời, ông cũng nhắc lại quan điểm Ukraine không được có những loại vũ khí có thể đe dọa tình hình an ninh Nga.

Các cuộc giao tranh quân sự giữa lực lượng Nga và Ukraine đã bước sang ngày thứ 20. Theo chính quyền Ukraine, cuộc giao tranh quân sự đang lan sang các thành phố lân cận. Trong ngày 16/3, các lực lượng Nga đã nhắm mục tiêu vào thành phố Zaporizhzhia ở đông nam Ukraine, lần đầu tiên kể từ khi xung đột quân sự nổ ra.

Ông Oleksandr Starukh, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Zaporizhzhia, cho biết trong một tuyên bố rằng cơ sở hạ tầng dân sự trong thành phố đã bắt đầu bị tấn công. Trong những ngày gần đây, Zaporizhzhia là điểm đến được chính phủ chỉ định cho dân thường chạy trốn khỏi thành phố Mariupol. Ông Starukh cho biết, thành phố Zaporizhzhia đã tiếp nhận và tái định cư cho hơn 3.000 người, trong đó có 772 trẻ em, tính đến 2 giờ sáng ngày 16/3.

Liên Hợp Quốc ước tính có hơn 3 triệu người hiện đã chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Ukraine, với hơn một nửa sẽ đến Ba Lan. Trong vòng chưa đầy ba tuần, quốc gia Đông Âu đã đón 1,85 triệu người tị nạn - gần gấp đôi so với 1 triệu người mà chính phủ dự đoán và tăng 4,8% dân số. Số lượng người tị nạn yêu cầu hỗ trợ nhân đạo tăng cao vượt xa ước tính ban đầu đang gây căng cho các chính phủ nước này và các cơ quan cứu trợ.

Cho đến nay, EU đã chuyển 500 triệu Euro (547 triệu USD) cho viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, ước tính của Economist Intelligence Unit cho thấy chi phí hỗ trợ 5 triệu người tị nạn có thể là 50 tỷ Euro (55 tỷ USD) chỉ riêng vào năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp