Đàm phán Nga-Ukraine 'phức tạp' sau cuộc họp ở Istanbul

chiến sự Nga – Ukraine
08:12 - 01/05/2022
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sky News
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sky News
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba nhận xét, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine có nhiều khúc mắc sau cuộc hội đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. 

"Hiện tại, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đang diễn ra với những khó khăn lớn", Bộ trưởng Ngoại giao Dmitry Kuleba cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã.

“Vài tuần trước, với sự hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ, các bên đã tổ chức một vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul. Tại đó, phái đoàn Ukraine đã đưa ra dự thảo thỏa thuận về đảm bảo an ninh quốc tế cho Ukraine. Phía Nga đã nhận được đề xuất này để nghiên cứu bổ sung. Rất tiếc, quá trình đàm phán sau đó trở nên phức tạp rất nhiều", ông nói.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu chào mừng các phái đoàn Nga Ukraine trước cuộc hội đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/3.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu chào mừng các phái đoàn Nga Ukraine trước cuộc hội đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/3.

Trong khi đó, AFP đưa tin, vào ngày 30/4, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev. Ông Kalin được Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal tháp tùng.

Hiện không có thông tin chi tiết về nội dung cuộc gặp trên, trong bối cảnh Ankara đã đứng ra làm trung gian giữa Ukraine và Nga trong nỗ lực chấm dứt chiến sự. Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một cuộc gặp giữa các nhà đàm phán Moscow và Kiev tại Istanbul và một cuộc gặp khác giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại Antalya hồi tháng 3.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng đang cố gắng mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh ở Istanbul giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Zelensky.

Trong một cuộc điện đàm mới đây, ông Erdogan nói với ông Putin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn "thiết lập một nền hòa bình lâu dài trong khu vực càng sớm càng tốt bằng cách gia tăng động lực đạt được trong các cuộc đàm phán ở Istanbul".

Một khu chung cư bị phá hủy sau các trận giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine ở thành phố Mariupol, Ukraine, ngày 29/4. Ảnh: Reuters
Một khu chung cư bị phá hủy sau các trận giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine ở thành phố Mariupol, Ukraine, ngày 29/4. Ảnh: Reuters

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 3. Phái đoàn hai nước và những nỗ lực thúc đẩy hòa bình từ các nước thứ ba đã tổ chức một số cuộc đàm phán trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, hai bên đều chưa thống nhất quan điểm trong thỏa thuận hòa bình.

Sau vòng đàm phán được cho là "có triển vọng nhất" tại Istanbul, phía Nga cho biết phái đoàn Ukraine đã đưa ra bản thảo đầu tiên về các đề xuất bằng văn bản nhằm giải quyết xung đột. Ngoài các điều khoản về quy chế trung lập, không tham gia liên minh quân sự, phi hạt nhân hóa, Ukraine sẽ cam kết hạn chế các cuộc tập trận quân sự có sự tham gia của quân đội nước ngoài mà không nhận được sự cho phép từ tất cả các quốc gia bảo lãnh, bao gồm Nga.

Tuy nhiên, Moscow nhận xét phía Ukraine không có dấu hiệu đẩy nhanh tiến trình đàm phán. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, cũng lặp lại cáo buộc Ukraine "thiếu nhất quán" và thay đổi quan điểm trong quá trình đàm phán.

Sơ tán dân thường tại nhà máy Azovstal, Mariupol: CNN dẫn lời Đại úy Svyatoslav Palamar, tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Azov của Ukraine cho biết, lệnh ngừng bắn tại thành phố Mariupol được thống nhất lúc 6h ngày 30/4 (giờ địa phương). Ông thông báo binh sĩ Tiểu đoàn Azov đã 20 thường dân dưới hầm đến điểm tập kết theo kế hoạch, bao gồm phụ nữ và trẻ em. "Chúng tôi hy vọng họ có thể đến Zaporizhzhia, khu vực do Ukraine kiểm soát", ông Palamar, nói.

TASS đưa tin, tổng cộng có 25 người, trong đó có 6 trẻ em dưới 14 tuổi, đã được di dời khỏi nhà máy thép Azovstal.

Hiện hàng nghìn binh sĩ của Ukraine và dân thường được cho là vẫn đang cố thủ bên trong nhà máy Azovstal - thành trì cuối cùng của Ukraine tại Mariupol - trước sự bao vây và tấn công của quân đội Nga.

Sân bay Odessa trúng tên lửa: AFP dẫn thông báo ngày 30/4 trên Telegram của Thống đốc Odessa Maxim Marchenko, cáo buộc tên lửa của Nga đã phá hủy đường băng tại sân bay Odessa, thành phố cảng miền Nam Ukraine.

"Hôm nay, đối phương tấn công bằng tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion phóng từ Crimea. Đường băng của sân bay Odessa đã bị phá hủy. Tạ ơn Chúa là không có thương vong", Thống đốc Odessa cho biết. Phía Nga vẫn chưa xác nhận thông tin này.

Odessa là một trong những thành phố cảng chiến lược nằm ở ven bờ Biển Đen và được coi là một mục tiêu quan trọng của Nga khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nga tuyên bố phá hủy cơ sở chỉ huy của Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/4 thông tin, lực lượng quân sự nước này đã phóng tên lửa chính xác cao vào 17 cơ sở quân sự của Ukraine, đồng thời phá hủy một sở chỉ huy và một nhà kho dùng để chứa tên lửa và pháo. Ngoài ra, Bộ này cũng cho biết các cuộc không kích trong ngày 30/4 khiến hơn 200 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và phá hủy 23 xe bọc thép.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.