Đằng sau con số tăng trưởng GDP cao nhất 12 năm

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
15:46 - 29/12/2022
Đằng sau con số tăng trưởng GDP cao nhất 12 năm
0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, nhưng Tổng cục Thống kê nhìn nhận đã có những chỉ báo cho thấy dấu hiệu chững lại của một số lĩnh vực trong quý IV cũng như dự báo năm 2023 sắp tới.

Chia sẻ tại họp báo Tổng cục Thống kê sáng 29/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch Covid-19, thể hiện sức chống chịu của nền kinh tế với sự nỗ lực của sản xuất, tiêu dùng cả ở phía cung và cầu.

Một số điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022 như hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh ở cả ba khu vực kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2022.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp năm 2022 đang trên đà phục hồi và phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ; xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng khá và có mức thặng dư tích cực.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm nay đạt 208,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, thấp hơn mức tăng 3,54% và 3,23% của các năm 2018 và 2020; cao hơn mức tăng 2,79% và 1,84% của các năm 2019 và năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Những chỉ báo chậm lại của một số lĩnh vực kinh tế trong quý IV/2022

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, những chỉ báo trong quý IV đã cho thấy dấu hiệu chững lại của một số lĩnh vực.

Chia sẻ rõ hơn về điều này, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê thông tin, sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 3 quý đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 7,16%; 9,51%; 11,06%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý IV/2022 tăng 3%, là mức tăng thấp nhất so với các quý của năm 2022 do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy, có 32,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2022 trong khi có tới 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Xuất khẩu hàng hoá trong quý IV cũng cho thấy dấu hiệu suy giảm, ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hoá quý IV giảm 6,1%, trong khi đó bình quân 9 tháng đầu năm ghi nhận tăng 17,3%. Điều này kéo con số tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam xuống rất nhiều mặc dù cả năm vẫn ghi nhận đạt 2 con số.

Nguyên nhân suy giảm kinh tế quý IV, theo ông Lê Trung Hiếu, đến từ rất nhiều nhóm. Đối với các yếu tố bên ngoài, nhu cầu tiêu dùng quốc tế suy yếu, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam do ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ Mỹ và các quốc gia châu Âu.

Bên cạnh đó, chính sách Zero-Covid gây ra sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các ngành hàng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc như dệt may, hoá chất, kim loại, linh kiện điện tử,...

Đối với các yếu tố nội tại nền kinh tế, lãi suất tăng mạnh trong thời gian vừa qua khiến tiêu dùng suy giảm, sản xuất khó khăn do chi phí tăng cao. Mặt khác, giải ngân đầu tư công triển khai tương đối chậm cũng ảnh hưởng đến hồi phục và tăng trưởng.

Một yếu tố khác được ông Lê Trung Hiếu nêu ra là năng lực nội tại của doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch cộng thêm các khó khăn về đơn hàng, nguồn hàng, lao động càng khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất, kinh doanh.

Họp báo Tổng cục Thống Kê sáng ngày 29/12.
Họp báo Tổng cục Thống Kê sáng ngày 29/12.

Bước sang năm 2023, đại diện Tổng cục Thống kê nhìn nhận, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn. Khó khăn và nhiều thách thức, nhất là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng... là các vấn đề Việt Nam phải đối mặt.

"Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% năm 2023 là mục tiêu đầy thách thức", ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận.

Động lực tăng trưởng kinh tế 2023

Nhắc về các động lực tăng trưởng kinh tế, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, ở góc độ sản xuất, khu vực dịch vụ sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu tăng trưởng, nhất là các hoạt động thương mại điện tử đang có xu hướng phát triển mạnh.

Các hoạt động du lịch lữ hành, vận tải kho bãi, lưu trú ăn uống, bán buôn bán lẻ tăng trưởng mạnh, đang dần về mức như trước đại dịch cũng tiếp tục được kỳ vọng trở thành động lực trong năm 2023.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Trung Hiếu, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2022 đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Do đó, trong năm 2023, ngành này sẽ tiếp tục ổn định, giữ vững tăng trưởng.

Mặc dù có dấu hiệu sụt giảm trong quý IV/2022, nhưng một số ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất khá tốt nên đã giúp kiềm chế đà rơi mạnh của toàn ngành công nghiệp như sản xuất đồ uống; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất máy móc, thiết bị... Đây sẽ tiếp tục là động lực của khu vực này trong năm 2023.

Cũng theo phân tích của đại diện Tổng cục Thống kê, đầu tư công sẽ tiếp tục là vốn mồi cho các hoạt động sản xuất, kích cầu của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Khi tiêu dùng sau giai đoạn phục hồi mạnh sau dịch Covid-19 đã có dấu hiệu chậm lại thì đầu tư công vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Bên cạnh đó, một trong ba "cỗ xe tam mã" của nền kinh tế là đầu tư nước ngoài tiếp tục dự báo tích cực khi Việt Nam vẫn được nhận định là một trong những những điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài bởi môi trường kinh doanh ổn định, thông thoáng; cộng thêm hàng loạt dự án lớn đã hoàn thành thủ tục đầu tư cuối năm 2022, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2023 kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.

Với xuất khẩu, mặc dù có những dấu hiệu suy giảm từ các thị trường lớn Mỹ, EU nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể bù đắp tại các thị trường FTAs. Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực.

"Đặc biệt, với sự điều hành linh hoạt và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, mặc dù kinh tế năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức nhưng chúng tôi tin tưởng, mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra hoàn toàn có thể đạt được", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.