'Đánh thức' chủng virus 48.500 năm tuổi dưới lớp băng vĩnh cửu

Virus Khoa học
15:05 - 25/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi hồi sinh một chủng virus cổ đại đã đóng băng hàng chục nghìn năm, nhóm các nhà khoa học Nga, Pháp và Đức lên tiếng cảnh báo về tình trạng băng vĩnh cửu tan chảy có thể gây ra những mối hiểm nguy cho nhân loại.

Theo IFLScience, một dự án được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Aix-Marseille, Pháp đã tìm cách hồi sinh các loại virus từ các mẫu được thu thập ở Siberia - vùng Viễn Đông băng giá của Nga. Trong số đó, họ đã "đánh thức" một loại virus có tên Pandoravirus yedoma từ mẫu băng vĩnh cửu có tuổi đời khoảng 48.500 năm, ở độ sâu 16 m bên dưới đáy hồ nước ở Yukechi Alas, thuộc vùng Viễn Đông Yakutia, Nga.

“48.500 năm là một kỷ lục thế giới”, Giáo sư Jean-Michel Claverie, thành viên nhóm nghiên cứu nói với New Scientist.

Virus 48.500 năm tuổi được tìm thấy từ băng vĩnh cửu ở độ sâu 16m. Ảnh: Daily Mail
Virus 48.500 năm tuổi được tìm thấy từ băng vĩnh cửu ở độ sâu 16m. Ảnh: Daily Mail

Được đặt tên theo chiếc hộp Pandora trong thần thoại Hy Lạp, Pandoravirus là một chi virus khổng lồ được phát hiện lần đầu tiên năm 2013 và có kích thước vật lý lớn thứ hai trong số những chi virus đã biết sau Pithovirus. Pandoravirus dài 1 micromet và rộng 0,5 micromet, có nghĩa loại virus này có thể quan sát được dưới kính hiển vi nhỏ.

Nhóm nghiên cứu cũng hồi sinh bộ ba loại virus mới từ một mẫu phân voi ma mút đông lạnh 27.000 năm tuổi. Bộ ba này được đặt tên là Pithovirus mammoth, Pandoravirus mammoth và Megavirus mammoth. Ngoài ra, hai loại virus mới nữa cũng được phân lập từ các chất chứa trong dạ dày đông lạnh của một con sói Siberisa, được đặt tên là Pacmanvirus lupus và Pandoravirus lupus.

Theo Daily Mail, Giáo sư Claverie và các cộng sự của ông trước đây đã từng hồi sinh hai loại virus 30.000 năm tuổi từ lớp băng vĩnh cửu - loại virus đầu tiên được công bố vào năm 2014.

Virus Pandoravirus yedoma có kích thước lớn, có thể quan sát được dưới kính hiển vi nhỏ. Ảnh: Daily Mail

Virus Pandoravirus yedoma có kích thước lớn, có thể quan sát được dưới kính hiển vi nhỏ. Ảnh: Daily Mail

Tất cả 9 loại virus cũ và mới đều có khả năng lây nhiễm các sinh vật đơn bào như trùng amip, nhưng không lây sang thực vật hoặc động vật. Tuy nhiên, các loại virus khác nằm sâu trong lớp băng vĩnh cửu cũng có khả năng lây nhiễm cho thực vật, động vật hoặc thậm chí cả con người nếu chúng được giải phóng và hồi sinh.

“Đó là một mối nguy hiểm thực sự”, ông Claverie nói. Tuy nhiên, hiện nay không thể xác định chính xác mức độ nguy hiểm ra sao.

Khoảng 65% lãnh thổ Nga là băng vĩnh cửu - loại đất đóng băng cả trong những tháng mùa hè. Nhưng với tình trạng nhiệt độ tăng do hiện tượng nóng lên toàn cầu, lớp đất sẽ rã đông, giải phóng đồ vật và sinh vật bị chôn vùi từ hàng nghìn năm trước. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Bắc Cực vốn là khu vực có dân cư thưa thớt hơn những nơi khác trên thế giới, nhưng ngày càng nhiều người đổ tới đó để khai thác tài nguyên như vàng và kim cương. Bước đầu tiên trong khai thác mỏ là đào lớp băng vĩnh cửu trên bề mặt, vì vậy con người càng dễ tiếp xúc với virus.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa thể ước tính thời gian virus có thể duy trì khả năng lây nhiễm trong bao lâu khi ở điều kiện ngoài trời (tia cực tím, oxy, nhiệt), cũng như khả năng chúng bắt gặp và lây nhiễm sang vật chủ phù hợp. Nhưng rủi ro chắc chắn sẽ tăng lên trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, lớp băng vĩnh cửu đang rã đông ngày càng nhanh và ngày càng nhiều người sống ở Bắc Cực để thực hiện các dự án công nghiệp".

"Do vậy, việc tính trước khả năng những virus cổ đại sẽ tìm đường quay trở lại và lây nhiễm, thậm chí trở thành đại dịch, là điều cần được cân nhắc ngay từ bây giờ", các nhà khoa học trên cảnh báo.

Nga đã cảnh báo về mối nguy hiểm có thể xảy ra do tan băng vĩnh cửu vì biến đổi khí hậu. Moscow đánh giá mối nguy hiểm này đủ nghiêm trọng để khởi động một dự án an toàn sinh học và kêu gọi tất cả các quốc gia khác thuộc Hội đồng Bắc Cực tham gia. Tổ chức liên chính phủ này gồm Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Phần Lan và Thụy Điển.

Tin liên quan

Đọc tiếp