Đầu năm 2022 Việt Nam nhập khẩu gần 90.000 tấn thịt

XNK Việt nAM
18:24 - 18/04/2022
Đầu năm 2022 Việt Nam nhập khẩu gần 90.000 tấn thịt
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam nhập khẩu khoảng 87.810 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt trong 2 tháng đầu năm 2022, chủ yếu từ thị trường Ấn Độ.

Về giá trị nhập khẩu, trong 2 tháng đầu năm 2022 Việt Nam nhập khoảng 197 triệu USD thịt và các sản phẩm từ thịt, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2021. Có 39 thị trường xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam, trong đó Ấn Độ là thị trường lớn nhất đạt 25.680 tấn chiếm 29,2%, trị giá 77,9 triệu USD (tăng 9,1% về lượng và tăng 2,4% về trị giá).

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các loại như thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm và thịt lợn tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Hai tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 15.400 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 33 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu mặt hàng này trung bình đạt 2.149 USD/tấn. Việt Nam nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó chủ yếu là được nhập khẩu từ Brazil (chiếm 40,3%); Nga (chiếm 19,2%) và Canada (chiếm 15,3%).

Ở chiều ngược lại, 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 2.320 tấn thịt và sản phẩm thịt; trị giá 10,6 triệu USD. Tăng trưởng lần lượt là -17,9% về lượng và 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chính như Hong Kong, Hàn Quốc giảm mạnh.

Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam sang 17 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hong Kong, đạt 1.090 tấn, trị giá 6,72 triệu USD; giảm lần lượt 37,7% về lượng và 4,9% về trị giá. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt sang Hong Kong chiếm 47,2% tổng lượng xuất khẩu sang các nước. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, chiếm 15,5%.

Chủng loại xuất khẩu chủ yếu gồm thịt lợn tươi, ướp lạnh và đông lạnh; thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh….

Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 1.350 tấn, trị giá 7,51 triệu USD; tăng lần lượt 66,2% về lượng và tăng 44,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Sản phẩm này chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hong Kong, Thái Lan và Lào.

Tình hình sản xuất chăn nuôi trong quý đầu năm

Trong quý I/2022, sản xuất chăn nuôi cả nước vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục ở mức cao, giá thức ăn chăn nuôi biến động mạnh. Thêm vào đó, giá xăng dầu tăng cao đã gây áp lực đến các hoạt động sản xuất chăn nuôi.

Tổng số trâu của cả nước trong quý đầu năm 2022 giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tổng số bò lại tăng khoảng 1,1%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 33.900 tấn, tăng 1,1%. Sản lượng bò hơi xuất chuồng ước đạt 128.900 tấn, tăng 3,4% so với quý cùng kỳ năm 2021.

Trong quý I/2022, đàn lợn tiếp tục phục hồi, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát. Ước tính tổng đàn lợn tăng khoảng 4,2% so với quý I/2022. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 1.041.600 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 24% kế hoạch của năm 2022.

Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 507.300 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 25% kế hoạch cả năm 2022.

Hiện, xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, khiến giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Trong khi nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi rất lớn. Dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương. Các vấn đề trên sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi gia, gia cầm trong nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp