Dầu thô hạ giá do những lo ngại về lạm phát làm gián đoạn kinh tế toàn cầu

DẦU THÔ THẾ GIỚI
07:58 - 14/04/2022
Dầu thô xuống giá do những lo ngại về lạm phát làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: Anadolu Agency.
Dầu thô xuống giá do những lo ngại về lạm phát làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: Anadolu Agency.
0:00 / 0:00
0:00
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm trở lại trong phiên giao dịch sáng 14/4, do áp lực lạm phát có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế toàn cầu, bên cạnh đó là những dự báo không tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 14/4/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 103,23 USD/thùng, giảm 0,56 USD/thùng trong phiên. So với cùng thời điểm ngày 13/4, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã tăng tới 2,15 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 108,41 USD/thùng, giảm 0,37 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, dầu Brent đã tăng 2,83 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 13/4.

Giá dầu ngày 14/4 có xu hướng giảm trong bối cảnh thị trường ghi nhận dự báo không mấy lạc quan về triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu.

Trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 13/4 đã đưa dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2022 giảm mạnh so với các dự báo trước đó.

Cụ thể, IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm 2022 trung bình ở mức 99,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn 260.000 thùng so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, mức dự báo này vẫn cao hơn 1,9 triệu thùng/ngày so với mức trung bình của năm 2021.

Mặt khác, giá dầu ngày hôm nay còn có xu hướng giảm do tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng mạnh, tuy nhiên số lượng này không đủ để xoa dịu lo ngại về sự thắt chặt của nguồn cung toàn cầu, với các nhà giao dịch dầu lớn dự kiến sẽ dừng trao đổi dầu Nga.

Theo đó, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 9,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8/4, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết hôm 13/4. Các nhà phân tích được khảo sát bởi S&P Global Platts dự báo tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 300.000 thùng. Tuy nhiên theo EIA, tổng tồn kho xăng giảm 3,6 triệu thùng trong tuần trước, trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 2,9 triệu thùng.

Thị trường dầu mỏ đã biến động mạnh khi người dùng cuối cùng và các nhà giao dịch cố gắng định lượng sự gián đoạn trong xuất khẩu hàng ngày của Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine. Hầu hết ước tính dao động từ 1 - 3 triệu thùng/ngày.

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết nhiều nhà giao dịch lớn trên toàn cầu có kế hoạch giảm thu mua dầu thô và nhiên liệu từ các công ty dầu do nhà nước kiểm soát của Nga để tránh phạm phải các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow có thể dễ dàng chuyển hướng xuất khẩu các nguồn năng lượng khổng lồ của mình khỏi phương Tây. Một số quốc gia, gồm cả Ấn Độ, đã tiếp tục mua dầu của Nga với mức chiết khấu cao.

Hôm 12/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ kỳ vọng về nhu cầu trên toàn thế giới và cho biết sản lượng toàn cầu tăng có thể bù đắp sự thiếu hụt sản lượng từ Nga. IEA cho biết họ dự kiến ​​sản lượng của Nga sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4, và mức giảm sẽ lên gần 3 triệu thùng/ngày từ tháng 5.

Sản lượng của Mỹ dự kiến cũng ​​sẽ tiếp tục tăng từ 11,8 triệu thùng/ngày hiện nay lên khoảng 12 triệu thùng vào năm 2022. Xuất khẩu các sản phẩm tinh chế đạt kỷ lục mọi thời đại, do nhu cầu lớn ở nước ngoài khiến kho dự trữ của Mỹ giảm. Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết sẽ không thể thay thế nguồn cung dự kiến ​​bị mất từ ​​Nga và sẽ không bơm thêm dầu thô.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu ngày 14/4 cũng bị hạn chế đáng kể bởi đồng USD suy yếu.

Tại thị trường trong nước, hiện giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau:

Tin liên quan

Đọc tiếp