Dầu thô quay đầu tăng giá khi Thượng Hải được nới lỏng hạn chế phòng dịch

DẦU THÔ THẾ GIỚI
08:18 - 13/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô vững đà tăng trong phiên giao dịch sáng 13/4, do dự báo nhu cầu sẽ được cải thiện mạnh khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế liên quan đến dịch Covid-19 tại thành phố Thượng Hải, trong bối cảnh nguồn cung vẫn đang bị thắt chặt.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/4, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 101,08 USD/thùng, tăng 0,93 USD/thùng trong phiên.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 105,58 USD/thùng, tăng 0,94 USD/thùng trong phiên.

Giá dầu ngày 13/4 tăng mạnh nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phục hồi sau thông tin Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch Covid-19 ở Thượng Hải, thành phố có 26 triệu dân và sử dụng tới 4% lượng dầu thô tiêu thụ của Trung Quốc.

Thượng Hải cho biết hơn 7.000 đơn vị dân cư đã được phân loại là các khu vực có nguy cơ thấp hơn, sau khi báo cáo không có ca nhiễm mới trong 14 ngày để có thể mở cửa trở lại.

Trong khi đó, về phía nguồn cung, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cảnh báo sẽ không thể thay thế 7 triệu thùng dầu/ngày và các chất lỏng khác của Nga bị mất, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt gây áp lực lên Nga và người mua.

Cùng ngày, Reuter cho biết sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga giảm xuống dưới 10 triệu thùng/ngày hôm 11/4, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020, do các lệnh trừng phạt và ràng buộc hậu cần cản trở thương mại. Theo đó, sản lượng dầu trung bình của Nga giảm hơn 6% xuống 10,32 triệu thùng/ngày trong các ngày từ 1/4 đến 11/4, từ mức 11,01 triệu thùng trong tháng 3.

Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa cấm vận dầu mỏ của Nga, nhưng một số ngoại trưởng cho biết lựa chọn này đã được đưa ra.

Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, nhận định thị trường dầu mỏ vẫn dễ bị tổn thương bởi một cú sốc lớn nếu năng lượng Nga bị trừng phạt, và rủi ro đó vẫn còn nguyên.

OPEC, hôm 12/4, đã hạ dự báo sản lượng chất lỏng của Nga xuống 530.000 thùng/ngày cho năm 2022, nhưng cũng giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới, với tác động của việc Nga mở chiến dịch tại Ukraine, giá dầu thô tăng cao và sự bùng phát của đại dịch ở Trung Quốc.

Giá dầu thô tăng mạnh còn do giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tiếp tục leo dốc.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, đà tăng của giá dầu cũng bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn sau thông tin lạm phát Mỹ trong tháng 3/2022 tăng mạnh lên mức 8,5%, mức cao nhất 40 năm.

Tại Việt Nam, chiều 12/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 12/4. Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã có phiên thứ 3 liên tiếp giảm từ đầu năm 2022, sau khi tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng nhiều năm vào kỳ điều hành ngày 11/3.

Tin liên quan

Đọc tiếp