Đầu tư bất động sản không hiệu quả, một doanh nghiệp phân bón rút lui

DPM Đạm Phú Mỹ
17:25 - 27/06/2022
Đạm Phú Mỹ thông báo rút lui khỏi lĩnh vực bất động sản.
Đạm Phú Mỹ thông báo rút lui khỏi lĩnh vực bất động sản.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp ngoại đạo cũng không cưỡng nổi sức hấp dẫn của bất động sản. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng thành công khi đầu tư vào lĩnh vực này, khi có những công ty đã phải rút lui do hiệu quả không như kỳ vọng.

Ngày 23/6 vừa qua, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM) đã tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Theo biên bản họp đại hội, Đoàn chủ tịch đã nhận được ý kiến trao đổi, đề xuất từ 11 cổ đông bằng phiếu đặt câu hỏi và phát biểu trực tiếp.

Trong đó có ý kiến về hiệu quả đầu tư vào dự án Trung tâm Thương mại Cửu Long như thế nào? Việc triển khai dự án chuyển đổi mục đích 1,23 trong dự án này với đối tác Huỳnh Châu có dấu hiệu vi phạm pháp luật và cơ quan công an đang điều tra, vậy trách nhiệm của các cá nhân liên quan ra sao?

Trả lời cổ đông, lãnh đạo DPM cho biết, tổ hợp trung tâm thương mại Cửu Long được Tổng Công ty đầu tư từ năm 2009 theo chiến lược phát triển đa ngành 2008-2015. Dự án không phát huy hiệu quả và Tổng Công ty chuyển hướng chiến lược không đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Phần diện tích 6,2ha khu hội chợ triển lãm tỉnh Cà Mau đã thu hồi để thực hiện theo quy hoạch mới của tỉnh và có phương án cấn trừ tiền sử dụng đất (tổng công ty chưa nộp) và tiền bồi thường cho tổng công ty khi thu hồi đất, đảm bảo thanh toán cho tổng công ty số tiền đã đầu tư vào khu đất.

Đối với khu đất 1,23ha có mục đích xây dựng nhà ở chuyên gia dầu khí, tổng công ty không còn mục tiêu trong đầu tư bất động sản nên đã hợp tác với đối tác Huỳnh Châu để lập dự án chuyển đổi mục đích sang đất ở và chuyển nhượng lại dự án cho đối tác. Trong quá trình hợp tác, phía Huỳnh Châu có những sai phạm pháp luật và cơ quan điều tra khởi tố cá nhân liên quan.

Tuy nhiên theo phạm vi cam kết, thỏa thuận trong hợp tác thì tổng công ty không liên quan không chịu trách nhiệm về những sai phạm đó. Đối với tòa nhà Cửu Long Plaza hiện là tài sản của tổng công ty sẽ tiếp tục được lên phương án chuyển nhượng để thu hồi vốn.

Cửu Long Plaza sẽ được Đạm Phú Mỹ chuyển nhượng cho đối tác.

Cửu Long Plaza sẽ được Đạm Phú Mỹ chuyển nhượng cho đối tác.

Dự án tổ hợp trung tâm thương mại Cửu Long được khởi công tháng 12/2008, với tổng vốn dự kiến khoảng 400 tỷ đồng được đặt tại vị trí đắc địa, nằm ngay giao lộ của 2 con đường trọng yếu nối liền khu công nghiệp Cà Mau với các tỉnh miền Tây Nam Bộ và nằm trong khu đô thị cửa ngõ Đông Bắc tỉnh Cà Mau.

Tổ hợp Trung tâm Thương mại có tổng diện tích 90.700 m2 gồm các hạng mục công trình là Cửu Long Plaza, khu triển lãm và các tiện ích hạ tầng khác như công viên, cây xanh và các công trình phục vụ phát triển kinh doanh, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa. Trong đó, Cửu Long Plaza là hạng mục chính có tổng vốn đầu tư 322 tỷ đồng, là trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng cao cấp với tổng diện tích sử dụng 9.942 m2.

Không phải ai cũng có thể "ăn ngon"

Trong một thập kỷ qua, bất động sản luôn là “miếng bánh” hấp dẫn với các doanh nghiệp bởi khả năng sinh lời cao. Không chỉ các công ty có nền tảng, những nhà đầu tư ngoại đạo từ các lĩnh vực khác như dệt may, điện tử, thép… cũng gia nhập. Đó là Tập đoàn Hòa Phát, CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (SeaProdex Saigon), CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), CTCP Sản xuất, Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL)…

Thậm chí có doanh nghiệp còn từ bỏ hẳn lĩnh vực đang tiềm năng để theo đuổi thị trường địa ốc. Như CTCP DRH Holdings (tiền thân là CTCP Đầu tư Căn nhà mơ ước - Dream House, mã DRH). Mặc dù phân bón mang lại nguồn thu tương đối ổn định cho công ty nhưng từ năm 2017, DRH đã kiên quyết cắt bỏ ngành nghề kinh doanh này để tập trung vào ngành chiến lược là đầu tư kinh doanh bất động sản.

Đầu tư bất động sản có yêu cầu đặc trưng là nguồn vốn lớn, dòng tiền thanh khoản cao, bên cạnh đó là tầm nhìn chiến lược về quy hoạch, phát triển hạ tầng, địa phương… Vì vậy thực tế, dù “miếng bánh” hấp dẫn nhưng không phải ai cũng có thể “ăn ngon”. Trên thị trường địa ốc, rất nhiều doanh nghiệp đã “sa lầy”, rơi vào cảnh khó khăn. Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức phải từ bỏ bất động sản để chuyển hướng sang nông nghiệp, sau đó là chuỗi ngày chìm trong nợ nần.

Tập đoàn Mai Linh - hãng taxi lớn nhất tại thị trường Việt Nam về cả thị phần và số lượng đầu xe, cũng từng chuyển hướng đầu tư bất động sản nhà xưởng, trụ sở văn phòng phục vụ cho hoạt động vận tải. Nhưng đơn vị này đã rơi vào tình cảnh nợ nần trong thời gian dài, cuối cùng đã phải bán bớt để có nguồn tiền thanh toán các khoản nợ.

Tin liên quan

Đọc tiếp