Đầu tuần rực lửa, VN-Index đánh mất mốc 1.300 điểm

CHỨNG KHOÁN VN INDEX
10:57 - 09/05/2022
Đầu tuần rực lửa, VN-Index đánh mất mốc 1.300 điểm
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với tâm lý không mấy tích cực khiến VN-Index giảm mạnh gần 49 điểm và xuống dưới ngưỡng 1.300 điểm.

Tính đến thời điểm 11h, VN-Index giảm mạnh về mức 1.289,07. So với ngưỡng 1.524 điểm hồi đầu tháng 4, chỉ số VN-Index đã mất hơn 235 điểm, tương đương giảm gần 17%. Vốn hóa thị trường chứng khoán bốc hơi khoảng 40 tỷ USD.

Trong nhóm VN-30, tất cả các mã đều đồng loạt giảm mạnh, BID,GVR, GAS, STB, PNJ hiện đều đang giảm trên 4%. Kết quả, chỉ số VN30-Index hiện đang điều chỉnh khá sâu khi mất hơn 35 điểm.

Nhóm ngân hàng không nằm ngoài con sóng giảm, với STB là mã giảm mạnh nhất nhóm bluechip, mất trên 6%. Các mã khác như BID, CTG, VPB, TCB, MBB, HDB giảm 2-4%.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn trong chuỗi ngày lao dốc dữ dội. Mở cửa sáng nay các mã có thanh khoản thuộc FLC Group đã chạm giá sàn, thậm chí ROS còn dư bán sàn lượng lớn với gần 3 triệu cổ phiếu đang tranh bán.

Nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng, thép thiết lập mức đáy mới khi ghi nhận mức giảm 4-6%. Các nhóm khác như bán lẻ, thủy sản, từng vượt sóng trong giai đoạn thị trường khó khăn cũng bị bán tháo. Với nhóm đầu cơ, các mã liên quan đến FLC nằm sàn, nhóm Louis cũng tương tự.

Cổ phiếu họ Louis cũng trong tình trạng bán tháo khi TGG, BII, SMT, LDP xuất hiện giá sàn. Nhóm cổ phiếu Apec như APS và API rơi rất mạnh 7-9%, cổ phiếu nhóm Licogi còn mất khoảng 9-15% do có biên độ lớn hơn.

Ngay cả các mã cổ phiếu bán lẻ vốn chống đỡ tốt các phiên trước, hôm nay cũng giao dịch tiêu cực ngay từ đầu phiên. Hiện FRT và PET đều đang giảm sàn, DGW, MWG, PNJ cũng đang giảm mạnh. Diễn biến không mấy khả quan cũng được ghi nhận tại nhóm thủy sản, hàng không, may mặc, khách sạn,....

Trong khi đó, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đi ngược xu hướng chung khi mạnh tay giải ngân trong phiên đỏ lửa. Họ mua vào hơn 500 tỷ đồng sau khoảng 1h30 giao dịch và chỉ bán ra 300 tỷ đồng, tương đương mua ròng 200 tỷ đồng trên HoSE.

Các mã được khối ngoại gom mạnh nhất có thể kể đến như VHM và HPG đều đang mua ròng trên 30 tỷ đồng, tiếp đến còn có chứng chỉ quỹ FUEVFVND hay SSI. Ngược lại họ chỉ bán ròng rải rác vài tỷ đồng các mã GEX, VHC, VCB.

Không còn tình trạng "thuyền lên nước lên"

Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2022, Chứng khoán BSC định giá thị trường hiện tại đang ở vùng tương đối hấp dẫn. Với việc thị trường ghi nhận điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 4 trở lại đây, PE trailing của thị trường đang giao dịch ở mức 15,6 lần tại ngày 20/04/2022. Đồng thời, BSC dự phóng triển vọng tăng trưởng LNST các doanh nghiệp ở mức 22% tăng trưởng, tương đương với mức tăng trưởng EPS sau pha loãng khoảng 17% (tỷ lệ pha loãng giai đoạn 2019-2021 là 5%), PE FWD của VN-Index đang ở mức 13,3 lần.

BSC đánh giá đây là mức hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng kinh tế, hiệu suất hoạt động (ROE =16% cao nhất khu vực) và lợi nhuận ngành. So sánh với các nước trong khu vực PE FWD của Việt Nam (13,2 lần) vẫn ghi nhận mức hấp dẫn so với bình quân (15,3 lần).

Trái lại, về các "cơn gió ngược chiều", BSC lưu ý rằng vẫn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn của lạm phát trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, FED bắt đầu tăng lãi suất thêm 0.5 điểm phần trăm và dự đoán sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong sáu kỳ họp tiếp theo, và đứt gãy nguồn cung do chính sách Zero Covid của Trung Quốc.

Do đó, chứng khoán BIDV cho rằng "sự dễ dãi" của dòng tiền trong năm 2021 sẽ không còn, nhà đầu tư sẽ không thấy tình trạng "thuyền lên nước lên" mà thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến sự phân hóa rõ rệt và khả năng lựa chọn cổ phiếu sẽ là yếu tố trọng yếu đến hiệu suất của nhà đầu tư. Tâm điểm hướng đến của dòng tiền là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.

Đọc tiếp