Để doanh nghiệp Việt không bị ‘cá lớn nuốt’ trong sân chơi RCEP

VASEAN RCEP
14:11 - 26/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan của hiệp định RCEP trong giao thương, các chuyên gia thương mại quốc tế khuyến nghị các doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác cung cấp đầy đủ các chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, để thuận lợi khi giải trình Hải quan.

RCEP được dự báo là thị trường được phục hồi nhanh sau đại dịch

Một trong những FTA quan trọng của Việt Nam là hiệp định RCEP được ký kết từ tháng 11/2020 có hiệu lực từ đầu năm 2022. Đây là hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới, gồm 10 nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây đều là các đối tác hàng đầu về đầu tư và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết ở mức tương đối về các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở mức 23%.

Để các doanh nghiệp có thêm được những thông tin cụ thể hơn về RCEP, Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) đã tổ chức hội thảo “Hiệp định RCEP và những lưu ý với doanh nghiệp”, ngày 26/5.

Đặt vấn đề tại hội thảo, ông Bùi Tường Lân, Phó Chủ tịch thường trực VASEAN cho biết, trải qua 2 năm khó khăn, đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với các cá nhân, doanh nghiệp. Trong khi đó tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp xoay quanh xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, Việt Nam cũng nhiều cơ hội có thể tận dụng để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Ảnh: Quách Sơn

Ảnh: Quách Sơn

Ông Bùi Tường Lân, Phó Chủ tịch thường trực VASEAN

Với mục tiêu của VASEAN là cùng sẻ chia và phát triển, chúng tôi mong muốn cùng các doanh nghiệp tận dụng cơ hội và phát triển. Trong đó, Hiệp định RCEP đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh hiện tại. VASEAN mong muốn qua hội thảo này có thể hỗ trợ các thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp”.

Làm rõ hơn những chia sẻ mà ông Lân dẫn đề tại hội thảo, ông Phạm Quốc Mạnh, Ủy viên thường vụ của VASEAN cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng của thời đại. Việt Nam đã ký trên 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại nhiều cơ hội như mở rộng thị trường, kinh nghiệm xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, bình đẳng trong kỷ nguyên số, đổi mới thể chế, cơ chế chính sách đồng bộ.

Tuy nhiên, ông Mạnh cũng nêu rõ, trong cuộc cạnh tranh toàn cầu mỗi sân chơi có một luật chơi riêng, doanh nghiệp nào có đủ tiềm lực và khả năng đáp ứng các luật chơi sẽ nắm được cơ hội.

Ảnh: Quách Sơn

Ảnh: Quách Sơn

Ông Phạm Quốc Mạnh, Ủy viên thường vụ của VASEAN

Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt với nhiều cạnh tranh trong hội nhập nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, chưa quen với sóng lớn biển cả’ nên gặp nhiều khó khăn, dễ bị nguy cơ rơi vào tình trạng cá lớn nuốt cá bé”.

Trong khi đó, RCEP sẽ tiến tới loại bỏ 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ, đem lại nhiều cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. "Đáng lưu ý, thị trường RCEP chiếm tới 30% dân số thế giới, 31% GDP và 27% thương mại hàng hóa toàn cầu đang được dự báo phục hồi nhanh sau đại dịch”, ông Mạnh chỉ ra.

“Nhưng cơ hội từ RCEP cũng sẽ đi liền với thách thức. Muốn cơ hội từ FTA phải có sự tìm hiểu kỹ các quy định của thị trường, lập kế hoạch để đón đầu việc giảm thuế hải quan, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nắm vững các biện pháp phi thuế quan, kỹ thuật, chấp thuận khai báo xuất xứ minh bạch”, ông Phạm Quốc Mạnh phân tích thêm.

Đề xuất kênh giải đáp, tư vấn trực tiếp về RCEP cho doanh nghiệp

Cũng tại hội thảo, là một trong những đơn vị tư vấn về thương mại quốc tế, ông Nguyễn Vũ Phú Khanh, Giám đốc CTCP Tư vấn EY Việt Nam đã đưa ra những lưu ý cụ thể cho các doanh nghiệp để có thể tận dụng tốt nhất các ưu đãi của RCEP.

Theo ông Khanh, để các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu nằm trong cam kết cắt giảm thuế quan cần được xuất khẩu từ một nước thành viên của RCEP, đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của hiệp định này theo cách vận chuyển trực tiếp. Cùng với đó, hàng hóa nhập khẩu cần có C/O hoặc chứng từ xuất xứ đi kèm.

Các diễn giả tham dự hội thảo. Ảnh: Quách Sơn

Các diễn giả tham dự hội thảo. Ảnh: Quách Sơn

Một số điểm lưu ý của RCEP với các FTA khác được ông Khanh chỉ ra là RCEP không cắt giảm thuế xuất khẩu. Lộ trình cắt giảm thuế quan có thể được tiến hành sớm hơn cam kết. Doanh nghiệp cần kiểm tra biểu thuế nhập khẩu chính thức từng bước. Quy tắc xuất xứ của RCEP cho phép cộng gộp nguyên liệu trong toàn khu vực, do vậy doanh nghiệp nên chuẩn bị đủ chứng từ cho nguyên liệu đầu vào.

Bên cạnh những quy tắc và lộ trình cắt giảm thuế quan được RCEP quy định, ông Khanh cũng cho biết, hiệp định này còn có cơ chế khác biệt thuế quan được thiết lập ở 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Indonesia, Philipinne, Hàn Quốc và Trung Quốc.

5 nước này sẽ xây dựng một biểu thuế quan ưu đãi nhập khẩu riêng cho các nước ASEAN và các biểu thuế quan cho các nước còn lại trong RCEP. Trong biểu thuế quan khác biệt này, bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc nguyên tắc xuất xứ thông thường thì các nước cũng cần tuân thủ các nguyên tắc xuất xứ bổ sung.

Trả lời câu hỏi của MEKONG ASEAN về kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn khi các doanh nghiệp tham gia RCEP, Giám đốc CTCP Tư vấn EY Việt Nam Nguyễn Vũ Phú Khanh nhận định, bên cạnh những thuận lợi khi tham gia RCEP về xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu được mở rộng hơn, các doanh nghiệp có thể gặp phải sự cạnh tranh về hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh những FTA đã có hiệu lực khi thêm RCEP thì có khả năng các ngành sản xuất của Việt Nam sẽ bị đe dọa. Do đó, người đứng đầu các doanh nghiệp cần hướng đến mở rộng thị trường hay tìm những thị trường ngách hơn nữa.

Ngoài ra, để doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi thuế quan, ông Khanh cũng lưu ý, các doanh nghiệp nếu không nắm chắc chứng từ, quy tắc đối với hàng nhập khẩu có thể bị truy thu thuế, không nhận được ưu đãi.

Do vậy, ông Khanh khuyến nghị, các doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác cung cấp các C/0 đầu vào đầy đủ, rõ ràng để thuận lợi khi giải trình Hải quan. Đồng thời, nghiên cứu các thông tư, nội dung, điều kiện thỏa mãn quy định RCEP một cách kỹ càng.

Theo ông Khanh, Bộ Công Thương cũng như VCCI nếu tổ chức càng nhiều các cuộc hội thảo, tập huấn cho doanh nghiệp thì họ sẽ có nhiều hơn cơ hội được phổ biến và biết đến nhiều hơn các nội dung của RCEP.

“Các chuyên viên Bộ Công Thương là những người có nhiều kinh nghiệm thực tế trong các giao dịch thương mại quốc tế, nếu Bộ có thể xây dựng một kênh giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp, có chuyên viên hỗ trợ kịp thời trực tiếp thì sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tham gia vào RCEP”, ông Nguyễn Vũ Phú Khanh đề xuất.

“Cơ chế phòng trừ rủi ro của Hải quan có thể đi kiểm tra sau thông quan 5 năm đối với hàng nhập khẩu và rà soát rất kỹ. Nếu bị truy thu thuế thì hàng hóa doanh nghiệp sau khi đã bán với mức chi phí áp dụng RCEP sẽ bị lỗ cùng với đó là khoản phạt nộp chậm thuế 20%. Đây là những hệ lụy nếu doanh nghiệp không có nắm rõ các điều kiện quy tắc của RCEP”.

Ông Nguyễn Vũ Phú Khanh, Giám đốc CTCP Tư vấn EY Việt Nam

Tin liên quan

Đọc tiếp