TS. Nguyễn Quốc Việt

Để doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng trong biến động toàn cầu

DOANH NGHIỆP Việt nAM
18:21 - 21/01/2023
"Cùng tắc biến, biến tắc thông", trong tận cùng khó khăn, doanh nghiệp cần có quyết tâm mới, hướng đi mới. Nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp Việt phát triển đột phá, bền vững hơn, TS. Nguyễn Quốc Việt viết cho Mekong ASEAN.

Trong một tọa đàm được tổ chức gần đây về triển vọng kinh tế 2023 và những vấn đề đặt ra với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, nhiều chuyên gia có chung một lo lắng rằng nền kinh tế Việt nam nói chung và doanh nghiệp Việt nam nói riêng đang chịu những cú "va đập" rất lớn trong bối cảnh biến động toàn cầu.

Trong năm 2022, Việt Nam ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô và duy trì đà hồi phục kinh tế sau khi khống chế đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, mức tăng vô cùng ấn tượng trong bối cảnh "mây đen" bất ổn và rủi ro suy thoái kinh tế phủ kín thế giới, mặc dù phải nói lại rằng, mức tăng trưởng này cũng một phần do so sánh với mức nền thấp năm 2021 do tác động nặng nề của dịch COVID-19.

Bước sang năm 2023, các dự báo thế giới về kinh tế không mấy lạc quan, đa phần đều khẳng định sẽ xảy ra các suy thoái ở mức độ khác nhau, trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao và dai dẳng, cạnh tranh địa chính trị lẫn kinh tế giữa các quốc gia và trong khu vực Châu Á, ASEAN cũng còn nhiều diễn biến phức tạp.

Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp Việt nam chưa phục hồi được bao nhiêu sau các tổn thất do tác động của Covid-19 trong hai năm 2020-2021 thì ngay lập tức chịu tác động nặng nề của diễn biến kinh tế thế giới, cuộc xung đột Nga - Ukraine làm tăng giá nhiên liệu và trầm trọng thêm khủng hoảng lạm phát trên hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Tình hình lạm phát của thế giới nhất là những cường quốc như Mỹ, Châu Âu đã lên trên 8% và còn dự báo dai dẳng trong năm 2023. Việt Nam dự báo áp lực lạm phát cũng sẽ rất lớn trong năm tới khi Quốc hội đặt mức mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức cao hơn năm 2022, cụ thể là ở mức mục tiêu 4,5 %.

Khi lạm phát tăng cao thì kéo theo dư địa cho việc ổn định chính sách tiền tệ sẽ ngày càng cạn kiệt, lãi suất sẽ buộc phải tăng và ngân hàng có xu hướng chặt chẽ hơn với các khoản cho vay. Không ít doanh nghiệp lại tiếp tục lao đao vì thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn phù hợp nhằm duy trì sản xuất kinh doanh chứ chưa nói tới chuyện mở rộng đầu tư phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, một nguyên lý tự nhiên là "cùng tắc biến, biến tắc thông" tức là khi sự vật phát triển tới cực điểm, khi cùng tận thì tất phải biến hóa, sau khi biến hóa liền thông đạt, nhờ thông đạt mà được dài lâu. Tôi cũng đồng ý với quan điểm trong tận cùng của khó khăn thì cũng sẽ tìm ra các cơ chế, phương thức hoá giải.

Việt Nam có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.

Song song đó, quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương…Vì vậy, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nhất là cạnh tranh từ bên ngoài đang diễn ra gay gắt.

Trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ, từ năm 2018, Diễn đàn kinh tế thế giới chính thức chuyển hẳn sang đo lường, xếp hạng năng lực cạnh tranh (NLCT) 4.0 thay cho NLCT toàn cầu. Với cách tiếp cận mới, Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam liên tục có sự cải thiện về chất lượng (thể hiện qua điểm số tăng) và gần đây thứ hạng cải thiện mạnh mẽ. Năm 2019, thứ hạng năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018; điểm số tăng 3,4 điểm (từ 58,1 điểm lên 61,5 điểm).

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và bất ổn do nhiều nguyên nhân, tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh là con đường duy nhất giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao năng suất lao động, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư vốn, kích thích thành lập doanh nghiệp mới, khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.

Không thể phủ nhận, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, vẫn có những hạn chế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua. Có thể đề cập đến một số hạn chế như, bên cạnh nhiều nỗ lực, quyết tâm cải cách, việc triển khai thực tế cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại trong giai đoạn ứng phó với đại dịch. Nhiều văn bản mới ra còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí có biểu hiện tăng thêm thủ tục và giấy phép con.

Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng lao động lành nghề, đào tạo kỹ năng và sinh viên ra trường cũng đang là vấn đề ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa thực sự có những bước chuyển biến theo kịp các nhu cầu mới của tái cấu trúc nền kinh tế hậu Covid-19.

Tất cả những khó khăn nội tại và thách thức từ bên ngoài đang đặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cần tư duy thích ứng, luôn luôn duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động và động lực cạnh tranh trước các biến động bất ổn của môi trường kinh doanh.

Chủ động tiếp cận thông tin về các gói tín dụng, quy định về vay vốn; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế cho vay; tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh các thay đổi trong quản trị nội bộ và sản xuất nhằm tháo gỡ các khó khăn, tiết giảm chi phí và ứng phó rủi ro thị trường, các doanh nghiệp cũng cần hướng tới văn hoá minh bạch, thực hành kinh doanh có trách nhiệm và liêm chính.

Nhưng, hành trình này doanh nghiệp không thể đi một mình. Để góp phần giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động và khó khăn trong năm 2023, tôi cho rằng chủ trương và chính sách của Chính phủ, Quốc hội trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế thị trường, bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch là rất quan trọng.

Trong quá trình cải cách thể chế, bản thân cơ quan hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước cũng phải có tư duy thích ứng với bối cảnh biến động, hành xử theo thị trường, dựa trên cơ chế thị trường để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Đọc tiếp