De Heus coi trọng lòng tin trong chuỗi hợp tác với nông dân Việt

De Heus Chăn nuôi
10:55 - 13/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Với kinh nghiệm tham gia chuỗi liên kết nông nghiệp tại Việt Nam, ông Johan Van Den Ban, Tổng giám đốc của De Heus khẳng định, niềm tin giữa đối tác là quan trọng, chỉ khi các bên tuân thủ cam kết “đã nói là phải làm” thì chuỗi liên kết mới thành công.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất.

Tuy nhiên, câu chuyện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều trở ngại, đặc biệt là vấn đề lòng tin. Đây chính là trăn trở của ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam.

Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII 2022 với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp ngày 12/9, ông cho biết De Heus đã có mặt ở Việt Nam được 12 năm, với 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi phân bố ở các vùng chăn nuôi lớn trên khắp cả nước.

“De Heus không trực tiếp chăn nuôi heo, không nuôi bò sữa, không nuôi cá, cũng không nuôi gà, nhưng chúng tôi luôn luôn hợp tác, đồng hành với người chăn nuôi Việt Nam”, ông Johan Van Den Ban khẳng định.

De Heus đã có mặt ở Việt Nam được 12 năm, với 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi.

De Heus đã có mặt ở Việt Nam được 12 năm, với 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi.

Kinh nghiệm của De Heus ở khu vực châu Âu và thế giới là luôn luôn chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và kỹ thuật để góp phần giúp người chăn nuôi độc lập phát triển sản xuất tốt hơn, hiệu quả hơn nữa.

Tại Việt Nam, trong suốt thời kì đại dịch Covid 19 căng thẳng, nông dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhất là năm 2021. Trong đó người chăn nuôi bị thua lỗ rất nặng nề vì khó tiêu thụ, giá bán sản phẩm thấp. Thời điểm đó, De Heus đang tham gia một chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi gà tại khu vực Đông Nam Bộ.

Qua chuỗi liên kết, ông Johan Van Den Ban cho biết, đã cung cấp con giống gà màu, gà công nghiệp cho bà con và thu mua gà lông để cung cấp cho các nhà máy giết mổ. Tuy nhiên lúc đó, giá gà lông tại thị trường chỉ được dưới 10.000 đồng/kg, trong khi giá ký cam kết thu mua của De Heus với người chăn nuôi là 29.000 đồng/kg.

Ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam

“Nếu thu mua gà cho bà con với giá như cam kết thì chúng tôi lỗ nặng. Nhưng De Heus vẫn thu mua gà lông cho bà con như với giá như cam kết. Giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng thì chúng tôi bán cho ai? Nhưng chúng tôi hiểu rằng, lòng tin là rất quan trọng trong chuỗi liên kết hợp tác, đã nói là phải làm”.

Tổng Giám đốc De Heus cho rằng, khi tham gia chuỗi liên kết thì sự tin tưởng giữa các đối tác là rất quan trọng. Nhờ giữ lòng tin với nhau, mà ở châu Âu đã có rất nhiều hợp tác xã thành công, như Tập đoàn Topigs Norsvin – doanh nghiệp hàng đầu cung cấp giống heo hậu bị của Hà Lan.

“Hy vọng ở Việt Nam cũng sẽ có những chuỗi liên kết, hợp tác xã phát triển như vậy”, ông Johan Van Den Ban bày tỏ.

Để thúc đẩy chuỗi liên kết với người chăn nuôi Việt Nam, ngoài cung cấp các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, De Heus còn có các giải pháp quan trọng như cung cấp gà giống, heo con, heo hậu bị cho nông dân.

“Năm 2023, De Heus sẽ cung cấp giải pháp phát triển giống cá tra - mặt hàng quan trọng cho khu vực miền Tây, đại diện Tập đoàn thông tin tại Diễn đàn.

Theo ông Johan Van Den Ban, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao. Nhưng nếu người nông dân không tập hợp, không liên kết sản xuất theo chuỗi thì sẽ khó làm ra sản phẩm đồng bộ, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được.

Trước chia sẻ của đối tác Hà Lan đang đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng có sự đồng tình và cho rằng, nông nghiệp thiếu bền vững do nhiều yếu tố, trong đó rất quan trọng là thiếu sự liên kết. Liên kết ở đây giữa nông dân với nhau, đặc biệt là liên kết giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

"Lấy ví dụ mô hình chi hội nghề nghiệp nuôi vịt của nông dân Ngô Đức Thắng ở Hưng Yên, một năm với doanh thu 100 tỷ đồng, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho hàng trăm người. Điều đó cho thấy các nông dân đã liên kết, làm tốt khâu liên kết, sản xuất bền vững".

“Tôi đã đi thăm mô hình chăn nuôi ở Nhật Bản, ở đây người ta liên kết với nhau để giữ thương hiệu nông sản rất tốt. Nếu không có sự liên kết mà mạnh ai nấy làm, thì không thể giữ được thương hiệu và không thể tạo ra giá trị. Việc liên kết có thành công hay không phải đến từ cả hai phía là nông dân và doanh nghiệp”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định.

De Heus là công ty toàn cầu chuyên sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi bao gồm thức ăn hỗn hợp, thức ăn cô đặc và thức ăn đặc biệt. Hiện công ty đứng thứ hai tại Việt Nam về thị phần. Đến năm 2022, De Heus đã có mặt ở Việt Nam được 12 năm với 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp