Đề nghị tăng lương tối thiểu cho người lao động theo hợp đồng từ 1/7/2022

Tăng lương LAO ĐỘNG
15:00 - 01/06/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Theo dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu cho người lao động làm việc theo hợp đồng, lương tối thiểu tháng theo 4 vùng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 - 260.000 đồng) so với mức đang áp dụng.

Dự thảo vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi tới các bộ, ngành, địa phương liên quan để sớm trình Chính phủ xem xét. Ngoài quy định mức lương tối thiểu cho người lao động làm việc theo hợp đồng, dự thảo cũng lần đầu tiên xây dựng lương tối thiểu theo giờ, dự kiến chia theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV sáng nay (1/6), các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề này. Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, hiện có những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều. Thời gian qua, người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm.

Theo thông lệ, việc tăng tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1/1 hàng năm, mức tăng mỗi năm từ 5 đến 7%. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ lao động thiếu việc làm thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy đại biểu cho rằng, thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng. Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 là đúng đắn và cần thiết. Tuy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương nhưng việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022 như Tờ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng cần sớm thương lượng tăng lương tối thiểu. Vì người lao động là tài sản quý giá của đất nước, họ cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người… Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”, Đại biểu Nghĩa dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động; Nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học (đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới)

Bên cạnh đó là nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng; Đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức. Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thỏa thuận, trả lương đang có sự cứng nhắc, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Vì vậy, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu giờ để bảo vệ quyền lợi về lương những người làm công việc linh hoạt, bán thời gian.

Như vậy sẽ có hai loại lương tối thiểu sẽ được áp dụng. Một là lương tối thiểu tháng đối với người lao động trả lương theo tháng. Hai là lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với người lao động trả lương theo giờ. Thực tế còn có hình thức trả lương khác (theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán). Đối với các hình thức này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất doanh nghiệp sẽ lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

Tin liên quan

Đọc tiếp