Để người lao động đủ sống cần có một cách tính lương khác

Lương Việt nAM
14:25 - 13/03/2022
Công nhân phải tăng ca với mức lương không đủ sống. Ảnh: NLĐ.
Công nhân phải tăng ca với mức lương không đủ sống. Ảnh: NLĐ.
0:00 / 0:00
0:00
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) cho biết, các doanh nghiệp hiện nay đang trả lương cho công nhân chỉ cao hơn mức lương tối thiểu của vùng từ 7 - 10% khiến cho người lao động không đủ sống.

Lương công nhân hiện nay đang không đủ sống…

Theo một nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hầu hết người lao động ngành may ở Việt Nam đang nhận mức lương thấp hơn lương đủ sống. 74% dưới mức lương đủ sống theo phương pháp tính Anker và 99% dưới mức lương của sàn lương châu Á.

Lao động nữ trong ngành may theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đang nhận mức lương thấp hơn lao động nam là 17%. Lương thấp dẫn tới nhiều hệ lụy làm giảm năng suất, tăng ca kéo dài, những tác động tiêu cực tới chất lượng sống và sức khỏe của người lao động và gia đình, đặc biệt ảnh hưởng lâu dài tới giáo dục và y tế cho con em người lao động.

Tuy nhiên, việc trả lương đủ sống không chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp tại Việt Nam mà cả các nhãn hàng quốc tế, Chính phủ, công đoàn và các đối tác khác.

Chia sẻ tại hội thảo “Giới thiệu bộ công cụ lương đủ sống”, ngày 12/3, TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động đã thông tin về kết quả cuộc khảo sát mức lương đủ sống của công nhân TP. Hồ Chí Minh.

Dựa vào phương pháp tính "Lương đủ sống Anker", mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường mỗi ngày 8 tiếng, đủ để duy trì mức sống bình thường cho bản thân và gia đình tại TP. Hồ Chí Minh (thuộc vùng I) vào năm 2020 phải là 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên kết quả khảo sát cho thấy trung bình một gia đình 4 người theo tỷ lệ 1,78 người đi làm mới chỉ đạt thu nhập trung bình là 6,6 triệu đồng.

Ảnh tác giả

“Sau hơn hai năm dịch lan rộng với hàng loạt chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng dịch phát sinh, chỉ số giá tiêu dùng tăng gần 7%, mức lương đủ sống hiện tại phải cao hơn mức 7,5 triệu đồng”.

TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động

Một khảo sát khác của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho thấy trên 90% các nhà máy trả lương căn bản cho người lao động với 8 tiếng làm việc, chỉ cao hơn mức tối thiểu vùng. Hiện nay, mức lương cao nhất của vùng I: 4,42 triệu đồng, thấp nhất là vùng IV: 3,07 triệu đồng. Như vậy mức lương người lao động nhận được hiện nay chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng từ 7 - 10%.

“Như vậy đại đa số công nhân không được trả lương ở mức đủ sống. Để bù đắp chi phí họ phải tăng ca hoặc làm thêm các việc khác. Lương không đủ sống cùng với chi phí ở thành phố đắt đỏ là hai nguyên nhân rõ ràng nhất khiến người lao động ở các tỉnh, thành phía Nam ồ ạt hồi hương khi đợt dịch thứ 4 bùng phát”, TS. Chi cho biết.

Theo TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, sau Tết Nhâm Dần, mức lương mà các nhà máy trả cho người lao động có cải thiện so với cuối quý 4/2021, tuy nhiên vẫn thấp so với trước khi COVID-19 bùng phát. Công nhân đóng góp rất lớn vào nền kinh tế nhưng lại thụ hưởng ít.

Ảnh tác giả

"Giá cả tăng, hàng loạt chi phí phát sinh do dịch cùng với từ tháng 1/2021 không điều chỉnh lương tối thiểu vùng khiến cho đời sống công nhân thêm khó khăn. Chậm điều chỉnh lương tối thiểu là mắc nợ người lao động vì càng kéo dài họ càng thiệt thòi".

TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn

Cần có một cách tính lương toàn diện hơn

Lương đủ sống được Liên minh Lương đủ sống toàn cầu định nghĩa là mức lương người lao động được nhận cho một tháng làm việc tiêu chuẩn, đủ để đảm bảo mức sống cơ bản đầy đủ cho bản thân và gia đình. Mức sống cơ bản đầy đủ bao gồm các cấu phần như thực phẩm, nhà ở, giáo dục, y tế, giao thông, quần áo và các nhu cầu cơ bản khác cũng như một phần tích lũy phòng thân.

Từ định nghĩa này, TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc ERC đã trả lời câu hỏi của MEKONG ASEAN tại hội thảo về những tác động đem lại của việc doanh nghiệp trả lương lao động theo mức đủ sống.

Bà Chi cho rằng lương là yếu tố đầu tiên khiến cho người lao động quyết định đi làm hay nghỉ việc tại một doanh nghiệp. Lương đủ sống phải cân nhắc từ góc độ chất lượng cuộc sống của người lao động chứ không chỉ đơn giản là cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nếu áp dụng mức lương đủ sống sẽ tăng sự hài lòng của người lao động trong môi trường làm việc và tác động trực tiếp đến năng suất người lao động.

Phân biệt giữa lương đủ sống và lương tối thiểu, bà Chi cho biết, mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ là mức để đảm bảo người lao động và gia đình họ có thể tồn tại, người lao động tái sản xuất sức lao động.

Để doanh nghiệp đưa ra được mức lương đủ sống với người lao động cần căn cứ vào “rổ hàng hóa” giới hạn và các tỉ lệ chi tiêu cứng; khoản tích lũy hàng tháng cần để ra và đặc biệt mức lương đó sẽ không nhân rộng đói nghèo. Đồng nghĩa với việc, mức lương đó phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ theo tiêu chuẩn WHO, nhà ở và các tiêu chí khác đủ tiêu chí theo cơ bản của khu vực.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Huyền Lê, Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, quản lý doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp cần áp dụng bộ công cụ “Lương đủ sống Anker” để tính mức lương đủ sống của một doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, khu công nghiệp hoặc vùng. Từ đó doanh nghiệp có thể tính đơn giá sản phẩm, làm căn cứ trả lương cho người lao động, hoặc đánh giá mức độ tăng lương của doanh nghiệp mình.

Công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cũng cần đưa ra mức lương đủ sống một cách khoa học, làm cơ sở thương lượng tiền lương với người sử dụng lao động.

Theo bà Lê, các nhãn hàng, các doanh nghiệp cần đánh giá lại mức lương hiện tại trên cơ sở so sánh với lương đủ sống. Qua đó, sẽ sẽ giữ chân được người lao động, không để xảy ra tình trạng thiếu lao động. Đưa ra các chỉ số sử dụng trong tính lương đủ sống, bà cũng chỉ ra 3 yếu tố căn bản.

Thứ nhất là chi phí lương thực thực phẩm, cần được xây dựng mô hình khẩu phần ăn mẫu của hộ gia đình dựa trên tiêu chí dinh dưỡng của WHO. Một hộ 4 người, 1 người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại (ví dụ công nhân may), 1 lao động bình thường và 2 trẻ em sẽ cần tổng cộng là 2. 348 kcal (căn cứ vào số liệu quốc gia kết hợp số liệu thực địa).

Thứ hai là chi phí nhà ở cần được căn cứ vào kết quả điều tra mức sống dân cư của nhóm tham chiếu: tiền thuê nhà; tiền điện, nước; nhiên liệu nấu ăn... Cuối cùng là nhóm các chi phí khác phi lương thực thực phẩm, bao gồm chi phí giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí...

Theo bà Lê phân tích, có 3 nấc của tiêu chí trong nhu cầu sống gồm chuẩn nghèo (đảm bảo mức sinh tồn cho một người, gắn với an sinh xã hội có thời gian điều chỉnh chậm); lương tối thiểu (một người lao động nuôi một con, ý nghĩa để bảo vệ người lđ); lương đủ sống (đảm bảo người lao động có cuộc sống tốt đẹp hơn).

“Như vậy, mức lương đủ sống của một hộ gia đình phải bao gồm: chi phí thực phẩm, chi phí nhà ở, các khoản chi phí khác và mức tích lũy 5% của tổng thu nhập”, bà Lê kết luận.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.