Đề xuất các ngân hàng thay đổi 'khẩu vị tín dụng' với nông nghiệp

NÔNG NGHIỆP TÍN DỤNG
18:14 - 28/07/2022
Chỉ có 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận nguồn tài chính chính thống.
Chỉ có 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận nguồn tài chính chính thống.
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, nguyên nhân khó tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là do thiếu minh bạch tài chính, chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận

Trong những năm qua, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã (HTX) đã từng bước được khẳng định, nhưng vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế cũng như sự kỳ vọng vào sứ mệnh của khu vực kinh tế này. Trong đó, có nguyên nhân đến từ thiếu nguồn lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX.

Phân tích về tình hình doanh nghiệp tại diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản”, ngày 28/7, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành rất quan tâm, có chính sách kịp thời hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh Covid-19 để gia hạn, giảm, giãn thuế phí.

Trong đó có một chính sách rất quan trọng là ngân sách Trung ương dành 40.000 tỷ đồng để cấp bù 2% lãi suất cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi trong nền kinh tế.

Năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và trong luật này cũng có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng; hình thành Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ KH&ĐT. Quỹ này có cơ chế hỗ trợ khoản cho vay với lãi suất thấp hơn 2% so với mặt bằng lãi suất thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 762.000 doanh nghiệp thành lập, tăng 13,6% và khoảng 2.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, sự khôi phục của doanh nghiệp chưa thực sự bền vững. Doanh nghiệp thành lập nhiều nhưng rút lui cũng nhiều, hoặc chuyển sang lĩnh vực phù hợp hơn với yêu cầu mới sau đại dịch.

"Qua theo dõi, Bộ KH&ĐT thấy rằng, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính thì chỉ có 25% tiếp cận được nguồn tài chính chính thống, còn lại là các nguồn khác như huy động từ người thân, vay, mượn tại các nguồn không chính thống. Đây là hạn chế rất lớn, mà nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp không có nguồn lực thay đổi công nghệ để bứt phá được”.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp

“Vì sao ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không tiếp cận được vốn?”, bà Thủy đặt câu hỏi. Thông tin lại những nguyên nhân sơ bộ từ phía ngân hàng, bà Thủy cho biết: “Ngân hàng nói rằng chúng tôi cũng là doanh nghiệp và cố gắng đảm bảo tín dụng cũng phải hiệu quả, không xảy ra nợ xấu và bảo toàn vốn cho hoạt động kinh doanh, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chưa đủ độ tin cậy”.

Theo Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp, ngoài việc chưa minh bạch tài chính, đa số doanh nghiệp chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Nếu có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng tăng trưởng tốt, công nghệ tốt… thì nhiều doanh nghiệp sẵn sàng "nhảy vào" hỗ trợ.

Là một trong những HTX tham gia đối thoại tại diễn đàn về những vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, ông Đặng Vinh Hòa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Số Bình Phước chia sẻ, đối với việc vay vốn tại các ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại cổ phần, hiện tại các ngân hàng chính sách định giá đất nông nghiệp trên khung giá do UBND tỉnh cấp, không phù hợp với thực tế.

“Ví dụ, một số ngân hàng chính sách đang định giá đất nông nghiệp ở mức 30.000 - 50.000 đồng cho 1 mét vuông đất. Với mức định giá thế này, nhiều nông dân và HTX không thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng”, ông Hòa cho biết.

Do vậy, ông Hòa kêu gọi các ngân hàng, đơn vị thẩm định cần làm việc để thực hiện định giá đúng cho đất nông nghiệp để kích thích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho HTX, hạn chế tình trạng nếu doanh nghiệp làm không tốt khiến vùng trồng bị cấm mã số vùng trồng gây ảnh hưởng tới nông dân và HTX.

Cùng với đó, ông Hòa mong muốn Ngân hàng Nhà nước có chính sách phù hợp để cấp hạn ngạch lãi suất phù hợp hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đất nông nghiệp được định giá chỉ 30.000 - 50.000 đồng/m2.

Đất nông nghiệp được định giá chỉ 30.000 - 50.000 đồng/m2.

Xây dựng cẩm nang tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, HTX

Nhìn nhận về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân lĩnh vực nông nghiệp, ở mức 12,77% và tín dụng nông sản phục vụ xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, rau quả, cà phê.. chiếm 40%), có 80 tổ chức tín dụng, 1.200 quỹ tín dụng nhân dân, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá đã có sự vào cuộc đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp, bà con nông dân trong những năm qua, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp.

Trong đó, cho vay nông nghiệp, tập trung sản xuất là 60% dư nợ, cho vay vào thu mua tiêu thụ khoảng 17%, cho vay vào chế biến khoảng 13%. Tỷ lệ này trong thời kỳ mới theo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới tập trung vào khâu giá trị gia tăng.

Trước thực tế đang tồn tại, ông Toản đưa ra kiến nghị về việc cần thay đổi về mặt kết cấu để đáp ứng trực diện hơn vào các khu vực trọng yếu tạo giá trị; cần đáp ứng nhu cầu vốn nhiều hơn so với quy mô của các HTX; tiếp cận vốn vay ưu đãi do số lượng giải ngân hiện nay chỉ ở mức khiêm tốn 12,68%.

"Đề xuất xây dựng cẩm nang tiếp cận tín dụng cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự phối hợp của Bộ KH&ĐT, Cục phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Ngân hàng Nhà nước, từ đó có thể số hóa việc tiếp cận tín dụng đối với khối HTX. Về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có sự thay đổi phương án kinh doanh, cùng với đó, các ngân hàng cần thay đổi ‘khẩu vị tín dụng’ đối với lĩnh vực nông nghiệp”.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản

“Nông nghiệp là lĩnh vực còn nhiều dư địa, mang lại giá trị kinh tế, do đó hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản cần được xem xét như một tài sản bảo lãnh trong vấn đề xét duyệt cho vay đối với doanh nghiệp; xây dựng sản phẩm liên kết ngân hàng bảo hiểm đối với nông nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Toản giải thích thêm.

Cũng tại diễn đàn, trước các ý kiến chia sẻ của doanh nghiệp và HTX, ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) khẳng định, về phía ngân hàng, luôn xác định các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX là một trong những đối tượng được ưu tiên. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng cho các đối tượng này tối đa là 4,5%/năm.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, tái cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để cho vay với người sử dụng lao động dùng trả lương cho người lao động.

Hiện nay, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 25% dư nợ toàn nền kinh tế, với hơn 14 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm chiếm 22,3% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Ông Tuấn Anh cũng tán thành với các HTX về việc cải thiện các quy trình thủ tục cùng với việc mở các lớp đào tạo, tập huấn cho HTX về tài chính, kế toán để có phương án xây dựng kế hoạch kinh doanh.

“Bên cạnh đó, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành sớm triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đi vào thực tiễn”, đại diện Vụ Tín dụng cho biết thêm về phương án gỡ khó cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX trong tiếp cận vốn.

Tin liên quan

Đọc tiếp