Đề xuất đưa công nghệ AI vào trường học để 'xoá mù' trí tuệ nhân tạo

AI. Việt nAM
12:07 - 24/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước đây Việt Nam kêu gọi xoá mù về công nghệ thông tin thì giờ đây phải xoá mù về AI, nên trí tuệ nhân tạo cần phải đưa vào trường học để thế hệ trẻ sớm được tiếp cận.

Sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN 2022) với chủ đề AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai diễn ra vào ngày 23/9 hướng tới mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đồng thời, tối ưu hoá năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ mới.

AI định hình tương lai

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đánh giá, trong cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo được xem là một trong những lĩnh vực công nghệ quan trọng góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, sự kiện này chính là cơ hội để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến, kiến nghị để cùng nhau xây dựng và phát triển cộng đồng và hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo Việt Nam, “từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới”.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại sự kiện.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại sự kiện.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho biết: " Việc tổ chức Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm nay với chủ đề ‘AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai’ thực sự có ý nghĩa quan trọng. Đây có thể coi là một cách tiếp cận tiên tiến - đặt công nghệ trong bối cảnh vĩ mô để nhìn nhận, đánh giá vai trò của công nghệ tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam”

Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, trí tuệ nhân tạo bắt đầu được ứng dụng mạnh mẽ và tích cực trong một số lĩnh vực tại Việt Nam như đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, y tế, bảo hiểm và môi trường. Vì vậy, công nghệ AI càng trở nên thiết yếu hơn trong đời sống xã hội.

Trong giai đoạn chống dịch vừa qua, nhiều ứng dụng AI đã phát triển để hỗ trợ tương tác với người dân, chẩn đoán mắc bệnh cho đến bước khoanh vùng chống dịch.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã ứng dụng công nghệ AI trong sản phẩm, dịch vụ của mình, hứa hẹn lực lượng doanh nghiệp có đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới ở trong lĩnh vực này. Việt Nam đang có hướng đi trong việc phát triển công nghệ AI phù hợp với thực tiễn, lấy trọng tâm là ứng dụng công nghệ phục vụ trực tiếp nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

Theo báo cáo Chỉ số sẵn sàng về AI của Chính phủ do tổ chức Oxford Insight kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện năm 2021, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.

'Xoá mù' công nghệ AI

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam đang có cái nhìn thực tiễn, bắt kịp xu thế khoa học của thế giới, tuy nhiên trình độ AI của Việt Nam vẫn còn thấp so với toàn cầu.

Theo ông Vũ Đức Đam, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống bởi nguồn nhân lực còn thiếu, công tác đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong và ngoài nước.

Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo không chỉ dành cho nhân tài, những người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn dành cho tất cả mọi người, bao gồm cả thế hệ trẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Trước đây, chúng ta kêu gọi xoá mù về công nghệ thông tin thì giờ đây, chúng ta phải xoá mù về AI. Chính vì vậy, trí tuệ nhân tạo cần phải đưa vào trường học để thế hệ trẻ sớm được tiếp cận.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn rằng, mọi người dân, đặc biệt là học sinh sẽ được trang bị những kiến thức tin học, kiến thức cơ bản về công nghệ để dần trở thành một suy nghĩ có tính nền tảng.

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo quốc gia (AI4VN) 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ và báo VnExpress tổ chức, với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Câu lạc bộ Các Khoa - Viện - Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU).

Diễn đàn năm nay gồm 3 phiên hội thảo chuyên đề "Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng", "Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo" và "Tự động hóa trong sản xuất", thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, công nghệ, đào tạo và doanh nghiệp lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong nước và quốc tế.

Đọc tiếp

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) đang tiến hành điều tra TikTok về các hoạt động dữ liệu và bảo mật. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TikTok đang phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ nếu ByteDance không thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này.
Chính quyền Mỹ kiện Apple

Chính quyền Mỹ kiện Apple

Bộ Tư pháp Mỹ cùng 16 tiểu bang và một quận đã nộp đơn kiện Apple với cáo buộc hãng có hành vi độc quyền trong hoạt động kinh doanh iPhone.