Dệt may xuất siêu ước khoảng 12,6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm

Dệt May Việt nAM
11:55 - 03/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Vitas, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Cán cân thương mại lần này giúp Việt Nam xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD.

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến tháng 8/2022, ngành dệt may vẫn giữ vững đà tăng trưởng với xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, ở chiều ngược lại, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD.

Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thời điểm cuối năm 2022, dự báo khó khăn của ngành dệt may đã bắt đầu hiện thực hoá, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu đơn hàng, đang chấp nhận làm với giá thấp. Ngành dệt may Việt Nam 80% năng lực sản xuất phục vụ xuất khẩu, biến động trên thị trường thế giới đã tác động trực tiếp đến ngành.

Mặt khác, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản đã khống chế được nhưng các thị trường khác, trong đó có thị trường cung cấp nguyên phụ liệu chính cho ngành như Trung Quốc (cung cấp 50% nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam) thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch rất chặt chẽ đã ảnh hưởng tới nguồn cung đầu vào cho sản xuất.

Ngoài ra, EU đưa ra chiến lược mới về dệt may, quy định về tỷ lệ thay thế, xanh hoá sản phẩm, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững điều này yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải chuyển dịch mạnh để đáp ứng.

Tại báo cáo ngành dệt may của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, không chỉ ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, tác động kép của gián đoạn chuỗi cung ứng sau Covid và cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine cũng khiến giá sợi và bông nhập khẩu vào Việt Nam tăng trung bình 10% so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm 2022 theo xu hướng tăng của giá cả hàng hoá toàn cầu.

Theo VDSC, điều này đã gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành khi hầu hết các công ty đều ghi nhận giảm biên gộp trong nửa đầu năm. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng biên lợi nhuận của các công ty mặc dù đang dần phục hồi nhưng vẫn chưa thể đạt mức bình thường trong năm 2023 do việc phục hồi nguồn cung nguyên liệu bị trì hoãn.

"Nhìn chung, ngành dệt may trong tương lai gần sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đến từ áp lực lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là Mỹ, dẫn đến cắt giảm đơn hàng mới; và khó khăn do gián đoạn nguồn cung có thể kéo dài, đẩy giá nguyên liệu leo cao", VDSC nhận định.

Trước những khó khăn đối với ngành dệt may, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức ngày 30/8, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị: Tại các thị trường cung cấp nguyên liệu cho dệt may, Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại làm việc với các cơ quan chức năng để có đường vận chuyển thuận lợi hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước còn rất lúng túng trong việc thực hiện các quy định trong chiến lược dệt may mới của EU, cần sự hỗ trợ thông tin nhiều hơn của thương vụ.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề xuất: Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí cho một số thành viên hiệp hội tham gia 2 hội chợ lớn tại Australia nhằm tìm hiểu thị trường, kết nối với đối tác mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp