Điểm nghẽn trong nông nghiệp là tư duy mùa vụ, thương vụ, nhiệm kỳ

XUẤT KHẨU Việt nAM
20:12 - 26/10/2021
Tọa đàm chuyên đề trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU.
Tọa đàm chuyên đề trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan cho rằng, điểm nghẽn trong nông nghiệp có thể thấy là nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

Ngày 26/10, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương và Đại sứ quán - Phái đoàn Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức tọa đàm trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu.

Ngoài lãnh đạo các Bộ, còn có đại diện 16 tỉnh/thành phố, hiệp hội và doanh nghiệp logistics, xuất khẩu rau quả cùng các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở các nước thành viên EU.

Cần phải thay đổi tư duy

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng muốn thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt sang thị trường khó tính như EU, cần thay đổi tư duy.

“Các điểm nghẽn trong nông nghiệp có thể thấy là nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Đã đến lúc từ bỏ cách tư duy cũ và xây dựng chiến lược dài hạn về vùng sản xuất, logistics và thương mại", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", Bộ trưởng Hoan để nghị, sau buổi tọa đàm hôm nay cần thành lập ngay một hiệp hội hay liên minh hay tổ chức các doanh nghiệp nông sản Việt xuất khẩu sang EU.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng NN&PTNN cũng chỉ ra rằng, ba rào cản lớn của nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới đang phải đối mặt là biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới.

Quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam phải theo xu thế tiêu dùng “xanh” của thế giới hiện nay. Đó là vấn đề bảo vệ môi trường, cân bằng cacbon, hạn chế thuốc trừ sâu…. Không chỉ là vấn đề kỹ thuật, chất lượng mà Việt Nam phải nêu được hình ảnh của nông nghiệp Việt Nam, định vị được nông sản Việt Nam phát triển bền vững.

Một lần nữa nhắc đến tư duy, Bộ trưởng Hoan nói, tư duy đi ra nước ngoài của doanh nghiệp cũng cần thay đổi có sự phối hợp để bắt tay tạo ra “không gian chung Việt Nam” ở nước ngoài.

Doanh nghiệp “nép mình” vào một chút, đi vào không gian chung để cạnh tranh với các nước khác trên diễn đàn quốc tế. "Việc các loại hàng hóa của các doanh nghiệp bổ sung cho nhau sẽ kích hoạt một hình ảnh chung, đồng nhất của nông sản Việt Nam", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Dư địa xuất khẩu rau quả Việt sang thị trường EU còn nhiều

Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp tại EU cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU đạt 88,5 triệu Euro, sản phẩm tươi tăng 7,7%. Trong đó, rau quả chế biến chiếm 42%, quả tươi chiếm 48% và rau tươi chiếm 7,7%.

Rau củ Việt Nam có lợi thế từ EVFTA với 94% số dòng thuế rau quả và sản phẩm chế biến đưa vào cắt giảm và 85,6% số dòng thuế rau quả được xóa bỏ ngay (trước đây phải chịu mức thuế là 10 - 20%).

Việt Nam cũng đang có khả năng cạnh tranh cao hơn với các nước chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc và một số nước Châu Mỹ La tinh.

Tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới, mới lạ tại EU tăng cao

Tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới, mới lạ tại EU tăng cao

Tuy nhiên, ông Công cho biết thêm, tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới tại EU tăng rất cao, trong đó, sản phẩm tươi tăng trên 15 - 20%/năm và sản phẩm rau quả chế biến tăng trên 30%/năm.

Các quy định về thủ tục đối với sản phẩm thực vật của EU theo hướng hậu kiểm, khác với một số nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là thuận lợi cho xuất khẩu rau quả Việt sang thị trường này.

Năm 2021, danh mục các loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu vào EU mở rộng: vải, nhãn, sầu riêng, ổi, xoài, măng cụt, mít.

Một lợi thế nữa đến từ các doanh nghiệp nhập khẩu của người Việt Nam tại EU đang có sự phát triển và có hướng chuyển từ các nước khác sang thị trường cung cấp Việt Nam.

Tại hội nghị, Đại sứ quán các nước và các doanh nghiệp đã có nhiều tham luận, đề xuất để thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt sang thị trường EU trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp