Điện Kremlin phản ứng trước sắc lệnh của Ukraine bác đàm phán với Tổng thống Putin

chiến sự Nga - Ukraine
00:34 - 05/10/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: India Today
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: India Today
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4/10 ký sắc lệnh chính thức loại trừ mọi cuộc đàm phán hòa bình với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

RT đưa tin, động thái trên của Kiev diễn ra ngay sau khi Quốc hội Nga chính thức thông qua hiệp ước sáp nhập lãnh thổ.

Sắc lệnh do Tổng thống Ukraine ký ban hành được Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine (NSDC) soạn thảo từ hôm 30/9 - thời điểm Tổng thống Nga Putin tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia vào Nga.

Ông Zelensky tuyên bố không thể tiến hành các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Putin Ảnh: AP

Ông Zelensky tuyên bố không thể tiến hành các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Putin Ảnh: AP

Điều khoản đầu tiên của sắc lệnh nêu: "Ukraine quyết định tuyên bố không thể tiến hành các cuộc đàm phán với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin". Trước đó, trong một video phát biểu, nhà lãnh đạo Ukraine cũng tuyên bố: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng là với một tổng thống khác của nước này".

Ngay sau tuyên bố từ phía Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/10 nhấn mạnh, Moscow vẫn luôn tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kể từ trước khi chiến sự nổ ra hồi cuối tháng 2. Nhưng quan chức này cho biết, việc đàm phán “cần phải có cả hai bên tham gia”.

Đặc biệt, ông Peskov cũng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ chờ đợi Tổng thống Ukraine đương nhiệm thay đổi quan điểm, hoặc chờ một tổng thống tiếp theo (của Ukraine) thay đổi lập trường quan điểm vì lợi ích của người dân Ukraine".

Theo TASS, ngoài sắc lệnh không đàm phán với ông Putin, Tổng thống Zelensky cũng đã ra lệnh cho chính phủ nước này tăng cường khả năng quốc phòng bằng cách tăng khối lượng viện trợ quân sự và kỹ thuật. Ông Zelensky cũng khuyến nghị Hội đồng Tối cao Ukraine đẩy nhanh quá trình thông qua các dự thảo luật liên quan áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Tổng thống Ukraine cũng tuyên bố rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm đến hàng nghìn pháp nhân và cá nhân Nga, cũng như những người tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. "Danh sách rất dài và sẽ bao gồm những cái tên khá nổi tiếng", ông Zelensky nói.

Tổng thống Putin tại lễ ký hiệp ước sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine vào Nga. Ảnh: Reuters

Tổng thống Putin tại lễ ký hiệp ước sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine vào Nga. Ảnh: Reuters

Trước đó, tại buổi lễ ký hiệp ước sáp nhập lãnh thổ hôm 30/9, Tổng thống Putin kêu gọi Ukraine "chấm dứt ngay các hành động thù địch, chấm dứt cuộc xung đột bắt đầu từ năm 2014 và quay trở lại bàn đàm phán". Ông cũng nhiều lần tuyên bố, Moscow sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân các vùng ly khai Ukraine và có quyền bảo vệ hoàn toàn cho các vùng sáp nhập.

Kiev phải "tôn trọng sự lựa chọn tự do của bốn vùng lãnh thổ. Đó là con đường duy nhất cho hòa bình”, ông Putin nói.

Cho đến nay, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 8 nhưng căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên mặt trận ngoại giao, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn bị đóng băng kể từ cuối tháng 3 khi cả hai bên đều có lập trường riêng rẽ.

Kiev nhiều lần tuyên bố việc khôi phục đàm phán hòa bình chỉ có thể thực hiện nếu quân đội Nga rút khỏi “các vùng lãnh thổ chiếm đóng” của nước này. Kiev cho biết sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ và sẽ giành lại tất cả các khu vực bị Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Trong khi đó, Nga tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine chỉ chấm dứt khi Moscow đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó Kiev phải cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass (gồm lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.