Điều doanh nghiệp cần nhất năm 2023 là tiếp cận được nguồn vốn

Điều doanh nghiệp cần nhất năm 2023 là tiếp cận được nguồn vốn

DOANH NGHIỆP VCCI
10:15 - 22/01/2023
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua một năm nhiều biến động. Nhưng với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp Việt sẽ có động lực để “vượt bão”, hướng tới năm 2023 tươi sáng hơn.

Với vai trò đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, trao đổi với Mekong ASEAN, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra những đề xuất, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có thể phát triển trong năm tới.

Mekong ASEAN: Xin cho biết đánh giá tổng quan của ông về tình hình hoạt động, thành tựu đạt được và những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong năm 2022?

Ông Đậu Anh Tuấn: Năm 2022 vừa qua là năm rất đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là năm đầu tiên mà doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid - 19 và trở lại với quỹ đạo hoạt động bình thường.

Điều này có được là nhờ việc thay đổi cách chống dịch kịp thời của Chính phủ, mở cửa bình thường nền kinh tế. Chính vì thế mà các hoạt động kinh doanh dần khởi sắc, các doanh nghiệp trong hầu hết các ngành hàng đã lấy lại được đà hoạt động. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các con số kinh tế vĩ mô rất ấn tượng như số doanh nghiệp trở lại hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục.

2022 cũng là năm mà thế giới có những biến chuyển mạnh mẽ theo chiều hướng tiêu cực như lạm phát cao, xung đột quân sự, giá nguyên liệu tăng cao…Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và tốc độ phục hồi của doanh nghiệp. Đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 có những tín hiệu từ thị trường thế giới cho thấy rất nhiều thách thức đang chờ đợi các doanh nghiệp trong năm 2023 sắp tới.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh chung đó, theo ông doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất những chính sách gì để tạo đà cho sản xuất kinh doanh trong năm 2023?

Ông Đậu Anh Tuấn: Điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất trong năm tới có lẽ là tiếp cận được nguồn vốn kinh doanh, khi mà trong năm 2022 vừa qua các kênh mà doanh nghiệp có thể huy động vốn đều gặp trục trặc.

Chứng khoán và trái phiếu là thị trường tiềm năng để huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, nhưng trong năm 2022 lại chịu sự điều chỉnh mạnh từ những trục trặc như vụ FLC, Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát.

Vốn từ ngân hàng cũng là kênh huy động rất thách thức cho các doanh nghiệp khi lãi suất quá cao. Nhiều doanh nghiệp cho biết hoạt động kinh doanh bình thường khó có thể trang trải được lãi suất gấp đôi so với giai đoạn trước.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại bài toán vốn không được giải quyết sớm thì vì thiếu hụt dòng tiền trước mắt, doanh nghiệp có thể phải “bán mình” cho doanh nghiệp nước ngoài dù có nhiều tiềm năng cạnh tranh và phát triển.

Mekong ASEAN: Ông đánh giá thế nào về các cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp hiện nay, có những vấn đề gì cần cấp thiết bổ sung, sửa đổi để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất?

Ông Đậu Anh Tuấn: Hiện nay dù tác động trực tiếp của dịch Covid-19 đã giảm đi rất nhiều, nhưng nền kinh tế và các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với những tác động khác cũng rất nghiêm trọng.

Đã có những tín hiệu không lạc quan về triển vọng kinh doanh trong năm 2023, chính vì thế những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ phục hồi rất cần được đánh giá, tổng kết lại và tiếp tục tăng cường trong giai đoạn sắp tới.

Theo tôi, có 5 lý do để Chính phủ tiếp tục thực hiện gia hạn giảm thuế. Đầu tiên có thể thấy rõ hiện nay, người dân và doanh nghiệp vẫn đang trong tình cảnh rất khó khăn nên rất cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Bên cạnh đó, hiệu quả thực hiện chương trình này trong năm 2022 rất tốt, rất nhanh, rộng.

Ngân sách Nhà nước trong năm 2022 vừa rồi dù giảm thuế nhưng vẫn tăng rất tốt, vì vậy, trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn và ngân sách tăng cao trong năm 2022 thì việc Nhà nước tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân bằng việc tiếp tục gia hạn giảm thuế là điều phù hợp.

Việc gia hạn thuế sang năm 2023 sẽ đóng góp tích cực vào việc giảm lạm phát vốn chịu áp lực rất lớn trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sắp tới.

Cuối cùng, việc giảm thuế ở đây có thể là giảm để tăng, vì giảm thuế có hiệu ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, qua đó giúp tăng thu ngân sách. Kết quả thu ngân sách năm 2022 vừa rồi vượt dự toán phần nào có thể là chỉ báo cho điều này.

Mekong ASEAN: Liên quan đến một vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm là Luật Đất đai sửa đổi, theo ông làm thế nào để đất đai thực sự trở thành nguồn lực giúp doanh nghiệp phát triển?

Ông Đậu Anh Tuấn: Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, quan trọng, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã thực hiện được sứ mệnh của mình, khi tạo ra khung khổ pháp lý hoàn thiện hơn trong lĩnh vực đất đai, nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất; xây dựng và phát triển thị trường quyền sử dụng đất.

Các chính sách về tài chính đất đai đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, những vùng kinh tế khó khăn. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, với sự thay đổi rất nhanh của cuộc sống, Luật Đất đai 2013 cũng đã bộc lộ các bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Doanh nghiệp đã nhận thấy nhiều điểm tích cực, tiến bộ trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do đã phần nào giải quyết được những vấn đề “nóng” như quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thủ tục hành chính phức tạp...

Mekong ASEAN: Một trong những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp gặp phải vướng mắc hiện nay là thủ tục hành chính. Ông có đề xuất gì để giải quyết tình trạng “ách tắc” trong quy trình xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp?

Ông Đậu Anh Tuấn: Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong giai đoạn tới, liên quan đến cải cách thủ tục hành chính tôi đề xuất xem xét thực hiện một số chương trình cải cách hành chính trọng tâm, chẳng hạn như: Chương trình cải cách quy trình, thủ tục trong hoạt động đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan như đất đai, tài nguyên môi trường nhằm giúp dự án đầu tư nhanh chóng đi vào hoạt động, nhanh chóng hoàn tất các dự án đang bị đình trệ, giải phóng nhiều nguồn lực đang bị ách tắc.

Chương trình đẩy mạnh cải cách hơn nữa thủ tục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong đó trọng yếu là thủ tục hành chính hải quan và thủ tục kiểm tra chuyên ngành giúp thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng thành công cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết thời gian qua.

“Hai lĩnh vực này giai đoạn vừa qua chúng ta đã có những cải cách lớn, thu được nhiều kết quả quan trọng nhưng cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Lưu ý đây là hai lĩnh vực có tác động lan toả lớn tới nền kinh tế, có ảnh hưởng trực tiếp tới cả đầu tư công lẫn đầu tư của tư nhân, có cả tác động tích cực trong định hướng thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư nước ngoài”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Nếu đầu tư xây dựng là những hoạt động đầu tiên mà doanh nghiệp thực hiện khi gia nhập thị trường thì xuất nhập khẩu hàng hóa là những khâu cuối cùng quyết định đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hai chương trình cải cách hành chính này, dòng vốn đầu tư tư nhân sẽ được khơi thông để chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh và luồng hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp sẽ trở nên thông suốt, từ đó góp phần quan trọng vào quá trình đưa Việt Nam trở lại với quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp