Doanh nghiệp cũng ‘khóc ròng’ vì đầu tư chứng khoán

DOANH NGHIỆP CHỨNG KHOÁN
14:30 - 21/07/2022
Nhiều công ty chứng khoán có đội ngũ phân tích vẫn không thắng nổi thị trường. Ảnh minh họa
Nhiều công ty chứng khoán có đội ngũ phân tích vẫn không thắng nổi thị trường. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, nhiều doanh nghiệp cũng thua lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm 2022 khi đầu tư vào cổ phiếu, khiến lợi nhuận kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các công ty chứng khoán là những đơn vị hăng hái nhất trong đầu tư cổ phiếu, bởi đây chính là mảng tự doanh có đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của họ. Tuy nhiên trái ngược với năm 2021 “đánh đâu thắng đó”, nhiều công ty đã phải nếm trải mùi vị thất bại trong 6 tháng đầu năm, dù sở hữu đội ngũ chuyên gia, phân tích thị trường đông đảo.

Điển hình như Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm nay chỉ 39 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ và hoàn thành vỏn vẹn 1,9% kế hoạch năm. Trong đó, mảng tự doanh có kết quả tiêu cực khi phần lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) âm đến 309 tỷ đồng. Phần lỗ từ tài sản tài chính FVTPL là 124 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 29 tỷ đồng của cùng kỳ. Như vậy, SHS lỗ ròng 433 tỷ đồng ở mảng này.

Tại thời điểm ngày 30/6, SHS có 3.644 tỷ đồng khoản mục tài sản tài chính FVTPL, tăng 35% so với đầu năm. Trong đó, cổ phiếu chiếm 1.654 tỷ đồng và trái phiếu chiếm 1.990 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu đang nắm giữ được SHS công bố có TCB của Techcombank (424 tỷ đồng), PET của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (168 tỷ đồng), PMC của Công ty cổ phần Dược liệu Pharmedic (94 tỷ đồng)… và cổ phiếu khác ở mức 838 tỷ đồng.

Tuy phần thuyết minh báo cáo tài chính quý II không trình bày rõ chênh lệch tăng, giảm tài sản tài chính FVTPL, nhưng những cổ phiếu trên đều điều chỉnh giảm mạnh trong quý 2 vừa qua.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng ghi nhận lỗ quý 2 “nặng” nhất từ trước đến nay do đầu tư cổ phiếu. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động VDSC trong kỳ đạt 146 tỷ đồng, giảm 54,5% so với quý 2/2021; lỗ trước thuế gần 268 tỷ đồng.

Trong đó, phần lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là âm 20 tỷ đồng. Lỗ từ FVTPL của VDSC tăng vọt lên mức gần 270 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 con số này chỉ 14 tỷ đồng. Chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL lên đến 209 tỷ đồng. Như vậy, công ty lỗ ròng khoảng 290 tỷ đồng từ các tài sản tài chính FVTPL trong quý 2 và lũy kế 6 tháng con số lỗ là 216 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/6/2022, danh mục VDSC nắm giữ gồm các mã DBC của Dabaco (đang lỗ hơn 64 tỷ đồng), TCB của Techcombank (đang lỗ gần 35 tỷ đồng), CTG của ViettinBank (lỗ hơn 26,5 tỷ đồng)... Tuy nhiên, VDSC cho rằng với danh mục đầu tư gồm các cổ phiếu thuộc những doanh nghiệp đầu ngành, hoạt động hiệu quả cao, công ty tin tưởng hoạt động đầu tư sẽ có kết quả tích cực hơn trong các tháng cuối năm.

Chứng khoán Tiên Phong (mã ORS) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với mức lỗ sau thuế gần 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế hơn 53,7 tỷ đồng. Đây là số lỗ kỷ lục trong quý kể từ khi công ty lên sàn.

Mặc dù doanh thu hoạt động tăng 132% so với cùng kỳ, lên mức 662 tỷ đồng nhưng chi phí hoạt động cũng tăng đột biến 329%, lên 698 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc công ty cắt lỗ loạt cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục, dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL tăng 488%, lên gần 528 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mảng tự doanh của công ty cũng lỗ gần 250 tỷ đồng (đã trừ chi phí tự doanh).

Trong kỳ, ORS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu niêm yết với giá trị hơn 87 tỷ đồng; cắt lỗ trái phiếu chưa niêm yết hơn 280 tỷ đồng. Tổng giá trị cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong kỳ là hơn 367 tỷ đồng. Đáng chú ý, ORS đã cắt lỗ SSI khi bán ra với giá 19.998 đồng/cp, giảm gần 50% so với giá mua vào, tương đương lỗ hơn 24,3 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, công ty đã chốt lời được VHC và một số cổ phiếu, trái phiếu chưa niêm yết nhưng tổng giá trị thu lời hơn 172,8 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức cắt lỗ trong kỳ.

Ngoài công ty chứng khoán, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành tham gia chứng khoán cũng rơi vào cảnh thua lỗ. CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế lỗ 114 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 85 tỷ đồng. Trong đó, lỗ chủ yếu do giảm doanh thu tài chính và tăng chi phí tài chính trong khi doanh thu hoạt động kinh doanh ghi nhận không đáng kể.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng, giảm 99,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 91 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 133 tỷ đồng. Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính, doanh thu tài chính của NDN giảm chủ yếu do lãi đầu tư chứng khoán ghi nhận 14 tỷ đồng so với cùng kỳ 73 tỷ đồng, tức giảm 59 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng thêm 93 tỷ đồng lên 121 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán thêm 68 tỷ đồng lên 84 tỷ đồng và lỗ đầu tư chứng khoán tăng thêm 40 tỷ đồng lên 53 tỷ đồng…

Còn CTCP Hóa An (mã DHA) thì đánh mất gần hết lợi nhuận trong quý 2/2022 vì đặt niềm tin vào cổ phiếu HPG và phải trích lập dự phòng 20 tỷ đồng khi cổ phiếu giảm giá. Cụ thể trong quý 2/2022, DHA ghi nhận doanh thu thuần gần như đi ngang ở mức 96 tỷ đồng, trong khi lãi ròng chỉ 1,7 tỷ đồng, giảm hơn 92% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân của kết quả ảm đạm trên phần lớn không đến từ sự khó khăn của hoạt động kinh doanh cốt lõi mà xuất phát từ những canh bạc đầu tư ngoài ngành. Theo đó, tại cuối quý 2/2022, DHA đang nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, cao hơn nhiều so với chỉ 300.000 hồi đầu năm. Nhưng trong quý 2, HPG đã giảm 35%. Do đó, DHA phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 20 tỷ đồng với cổ phiếu HPG. Đây chính là nguyên nhân đẩy chi phí tài chính tăng vọt gấp 5 lần (21 tỷ đồng) và lấy đi hết lợi nhuận của DHA.

CTCP Đầu tư CMC (mã CMC) cũng ghi nhận lỗ ròng hơn 6,4 tỷ đồng trong quý vừa rồi mặc dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vẫn đạt 1,4 tỷ. Nguyên nhân là do doanh thu từ hoạt động tài chính đạt gần 2,8 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính tăng mạnh gấp gần 3,5 lần cùng kỳ, lên đến 9,7 tỷ đồng. Đây chính là hạng mục khiến CMC lỗ lỗ đầu tiên kể từ quý 3/2020.

Trong cơ cấu đầu tư ngắn hạn của CMC, mảng chứng khoán kinh doanh bất ngờ tăng đáng kể từ mức 22,3 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 28,9 tỷ đồng. Đáng buồn là CMC bắt hụt đáy nhiều cổ phiếu nên việc đầu tư chứng khoán nhiều kéo theo khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tăng đột biến 98% lên mức 8,97 tỷ đồng.

So với thời điểm đầu năm, danh mục đầu tư chứng khoán của CMC đến thời điểm cuối quý ghi nhận thêm nhiều cổ phiếu mới là 75.000 cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát) - giá mua 37.x đồng; 69.000 cổ phiếu VLC (Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam) - giá mua 30.x đồng và bổ sung hơn 240.000 cổ phiếu GEX (Tập đoàn Gelex) - giá mua bình quân 38.x đồng. Các mã này đều ghi nhận giảm mạnh trong quý 2 nên CMC đã phải trích lập dự phòng gần 9 tỷ đồng đối với các danh mục đầu tư chứng khoán.

Trên sàn chứng khoán hiện nay không ít doanh nghiệp gặp khó khăn với hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận chỉ đến từ các hoạt động đầu tư cổ phiếu và thoái vốn. Bức tranh này càng đậm nét hơn trong hai năm qua, trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh chính bị trì trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán, sử dụng tiền nhàn rỗi để đi lướt sóng cổ phiếu và đạt được lợi nhuận không nhỏ, đóng góp lớn vào kết quả hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, xu hướng này có lẽ đã kết thúc, đặc biệt khi nhìn vào xu hướng và những rủi ro của thị trường chứng khoán hiện nay. Trong quý 2/2022, thị trường chứng khoán đã trải qua đợt điều chỉnh mạnh nhất, xóa sạch thành quả lợi nhuận của không ít nhà đầu tư trên thị trường. Hàng loạt tài khoản bị call margin và bị công ty chứng khoán bán giải chấp liên tiếp với số lượng lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp