Doanh nghiệp dựa vào chuyển đổi số để bứt phá hậu COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%. Do đó, chuyển đổi số đang được xem là giải pháp then chốt giúp các doanh nghiệp bứt phá hậu COVID-19.

Tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022) ngày 26/5, các chuyên gia đã cùng chia sẻ về xu hướng chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp SMEs và doanh nghiệp sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Uỷ ban chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, Việt Nam đã bắt đầu bàn về chuyển đổi số từ năm 2018. Đến nay, chuyển đổi số đã trở thành một khái niệm phổ biến, một vấn đề nóng từ trong các chương trình nghị sự cấp cao đến những câu chuyện thường ngày của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khảo sát của VINASA cho thấy, 69% doanh nghiệp được khảo sát không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu và 92% doanh nghiệp không biết chuyển đổi số như thế nào.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, bà Lê Huyền Nga, Trưởng phòng Công nghiệp Hỗ trợ, Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) lý giải rằng, hiện nay rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí cao. Để áp dụng được các công cụ kỹ thuật số, các phần mềm quản lý chuyên dụng, đòi hỏi doanh nghiệp bỏ ra một lượng chi phí tương đối lớn, đặc biệt là đầu tư vào các mua sắm thiết bị máy móc mới hoặc dây chuyền tự động hóa hiện đại. Bên cạnh đó là đồng bộ hóa lại cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp khó trong việc thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số. Lý do vì để áp dụng được các công cụ kỹ thuật số vào trong quy trình sản xuất, kinh doanh, không chỉ đòi hỏi lao động trong doanh nghiệp phải biết cách sử dụng hệ thống máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại, mà còn phải bảo đảm khả năng sửa chữa khi có lỗi phát sinh và tiến hành các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên.

Đặc biệt, theo bà Lê Huyền Nga, những hạn chế trong nhận thức và tâm lý cũng là những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp đang đứng ngoài cuộc trong xu thế chuyển đổi số hiện nay. Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, thiết lập lại quy trình làm việc, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà trên cơ sở ứng dụng công nghệ số.

Tuy nhiên, tâm lý ngại thay đổi, ngại từ bỏ những tập quán kinh doanh truyền thống được duy trì nhiều năm khiến doanh nghiệp cảm thấy khó khăn khi tiến hành chuyển đổi số. Đây cũng là lý do khiến một bộ phận các doanh nghiệp cho biết, họ đã bắt đầu sử dụng công nghệ số từ khi có đại dịch Covid-19, nhưng sẽ quay lại cấu trúc cũ khi hết dịch bệnh, bà Nga nhận định.

Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022.

Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022.

Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số, lãnh đạo phải đi đầu

Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.

Kết quả nghiên cứu khác của McKensey cũng chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với Brazil là 35% còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Từ đây có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.

Do đó, với các doanh nghiệp Việt Nam, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chuyển đổi số không phải là việc dễ dàng.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, bà Nguyễn Hà Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, CTCP Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI cho biết, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công thì cần bắt đầu thay đổi từ bộ máy lãnh đạo. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần đồng thuận và quyết tâm với chuyển đổi số, đồng thời đề ra chiến lược tổng thể.

Tiếp đó, cần lập kế hoạch và lộ trình theo từng giai đoạn, xây dựng, triển khai các kế hoạch đó trong thực tiễn. Cuối cùng, doanh nghiệp cần xây dựng kho dữ liệu tổng thể và ứng dụng các công nghệ 4.0 như AI, Blockchain, Cloud để đưa ra các mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

Đồng quan điểm, ông Đặng Duy Khánh, Giám đốc Chuyển đổi số khối SMEs, Tập đoàn VNPT, cũng nhấn mạnh: "Khi chuyển đổi số, lãnh đạo số là yếu tố đứng đầu".

Ảnh tác giả

Chuyển đổi số thực chất là chuyển đổi về kinh doanh nhiều hơn là phần số. Lãnh đạo phải ở trung tâm quá trình chuyển đổi số và gồm 4 trụ cột chính xoay quanh, bao gồm khách hàng, nhân viên, hoạt động, sản phẩm.

Ông Đặng Duy Khánh, Giám đốc Chuyển đổi số khối SMEs, Tập đoàn VNPT

Trong khi đó, Ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí (VAMI) cho biết, muốn chuyển đổi số thành công cần có những mục đích, lộ trình và chỉ tiêu đánh giá cụ thể. Chỉ có gắn liền việc chuyển đổi số với những mục tiêu hoạt động cụ thể của tổ chức, doanh nghiệp, của bộ, ngành, của đất nước thì kết quả của chuyển đổi số mới thực sự thành công và bền vững.

Từng, bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược, quy hoạch, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của mình để thực hiện việc chuyển đổi số cho phù hợp.

Đọc tiếp