Doanh nghiệp gỗ chuyển đổi dùng nguồn trong nước để giảm sức ép nhập khẩu

Gỗ Việt nAM
19:42 - 21/03/2022
Cạnh tranh gỗ nguyên liệu gay gắt sau khi Nga dừng xuất khẩu gỗ. Ảnh: Công ty CP Woodsland.
Cạnh tranh gỗ nguyên liệu gay gắt sau khi Nga dừng xuất khẩu gỗ. Ảnh: Công ty CP Woodsland.
0:00 / 0:00
0:00
Trước sức ép cạnh tranh gỗ nguyên liệu thế giới trở nên căng thẳng khi Nga dừng xuất các mặt hàng gỗ và lâm sản, các doanh nghiệp Việt đều cho rằng cần bàn lại với đối tác để hướng đến dùng gỗ rừng trồng trong nước.

“Kịch bản tồi tệ nhất đã xảy ra”

Đứng trước các khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, để nỗ lực ổn định nền kinh tế, Nga đã đưa ra quyết định cấm xuất khẩu với gần 200 mặt hàng cho tới hết năm nay.

Đáng lưu ý, trong đó có một số mặt hàng gỗ và lâm sản. Bộ Tài chính Nga cho biết một số sản phẩm trong ngành lâm nghiệp và đồ gỗ sẽ bị cấm xuất khẩu đến "các quốc gia không thân thiện". Danh sách chịu ảnh hưởng gồm 48 quốc gia, trong đó có các nước EU và Mỹ. Nga là nước sở hữu 1/5 diện tích rừng của thế giới và việc khai thác thêm nguồn tài nguyên này có thể giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc vào dầu khí.

Diễn biến trên đã phần nào diễn ra theo “kịch bản tồi tệ nhất” được Tổ chức nghiên cứu Forest Trends đưa ra trong tọa đàm “Xung đột Nga – Ukraine và tác động tiềm tàng tới ngành gỗ Việt Nam” vào đầu tháng 3/2022.

Forest Trends dự báo khi các hoạt động thanh toán quốc tế với Nga không thể thực hiện được, luồng cung gỗ nguyên liệu xuất khẩu của Nga bị đứt gẫy do các giao dịch thanh toán quốc tế đã bị chặn. Đồng thời Chính phủ Nga sẽ hạn chế xuất khẩu một số nguồn tài nguyên chính để đối phó với lệnh trừng phạt của Phương Tây.

Khi kịch bản này xảy ra, Forest Trends dự báo, nguồn cung gỗ từ Nga với lượng cung mỗi năm lên tới gần 40 triệu tấn gỗ nguyên liệu quy tròn sẽ bị mất đi. TS. Tô Xuân Phúc, đại diện nhóm thực hiện báo cáo cho rằng, tác động đối với bức tranh cung – cầu gỗ thế giới có thể thấy ở Trung Quốc, Phần Lan và các nước khối EU sẽ chịu tác động nặng nề nhất bởi đây là các thị trường tiêu thụ gỗ nguyên liệu lớn nhất từ Nga.

Trung Quốc có thể vẫn duy trì được một phần nguồn cung từ Nga, bởi 2 quốc gia có thể sử dụng phương thức thanh toán riêng không nằm trong hệ thống SWIFT, như hệ thống Union Pay của Trung Quốc hoặc thiết lập một hệ thống thanh toán mới.

Trung Quốc, Phần Lan và các nước EU sẽ tìm nguồn cung thay thế. Nguồn cung thay thế đòi hỏi cần có các loại gỗ tương đồng với các loại gỗ từ Nga. Nguồn cung từ các nước Châu Âu và từ Mỹ có thể đáp ứng một phần, tuy nhiên, để bù lại lượng hụt gần 40 triệu tấn mỗi năm là không khả thi. Do vậy, sự cạnh tranh nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới sẽ trở nên căng thẳng.

Dùng gỗ rừng trồng trong nước thay thế hàng nhập từ Nga

Mặc dù Nga chưa phải là thị trường quan trọng của Việt Nam, song xung đột Nga - Ukraine khiến nhiều doanh nghiệp gỗ của Việt Nam lo ngại giá gỗ nguyên liệu tăng và nguồn cung đứt gãy.

Năm 2021 kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga đạt khoảng 55 triệu USD, tương đương 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả các nguồn trong cùng năm. Gỗ xẻ, gỗ dán, veneer là các mặt hàng nhập khẩu chính, với kim ngạch nhập khẩu gỗ xẻ chiếm trên 80% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Các loài Bạch dương (birch), Bồ đề, Vân sam (hay còn gọi là linh sam) chiếm trên 85% trong tổng lượng gỗ xẻ nhập vào Việt Nam từ Nga. Bạch dương là loài có mức tăng trưởng rất nhanh, từ khoảng 1.000 m3 năm 2018 lên khoảng 103.000 m3 năm 2021. Đây cũng là loài chiếm tỷ trọng về lượng nhiều nhất (bình quân khoảng 80-90%) trong các loài gỗ tròn, veneer và gỗ dán nhập khẩu từ nguồn này.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn nhất từ Nga, với lượng nhập vào Trung Quốc chiếm trên dưới 50% tổng lượng gỗ tròn và xẻ xuất khẩu hàng năm của Nga.

Trong khi đó, một lượng nhỏ gỗ có nguồn gốc từ Nga được nhập khẩu vào Việt Nam qua Trung Quốc, chủ yếu ở dạng sản phẩm là gỗ xẻ và veneer. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập trên 70 nghìn m3 gỗ xẻ từ Trung Quốc. Các loài nhập chính gồm Bạch dương, Dương, phong vàng, sồi, thông.

Mỗi năm Việt Nam nhập gần 200 nghìn m3 veneer từ Trung Quốc. Bạch dương, dương, sồi, thông là các loại gỗ chủ đạo trong lượng nhập khẩu. Năm 2021, veneer từ gỗ Bạch dương nhập vào Việt Nam đạt 120,94 nghìn m3 chiếm tới 89% tổng lượng veneer nhập khẩu từ nguồn này vào Việt Nam trong năm (248,12 nghìn m3).

Một lượng gỗ từ Nga nhập vào Trung Quốc sau đó được xuất khẩu sang Việt Nam ở dạng sản phẩm gỗ xẻ và veneer. Các loài phổ biến nằm trong các sản phẩm này là bạch dương, thông, dương…

Theo bà Phan Thị Thu Trang, Công ty TNHH Gỗ An Lạc lo ngại nguồn gỗ nguyên liệu sẽ tăng giá, thậm chí không về được Việt Nam. An Lạc cho biết 2 lô hàng vẫn nằm ở cảng của Nga, giờ chưa tìm được cách vận chuyển về.

“Các đơn hàng từ Ukraine không thể chuyển về Việt Nam được nữa. Việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Âu cũng bị ảnh hưởng vì nguồn cung có hạn, giá bị đẩy lên cao khiến chi phí sản xuất tăng lên. Lý do là bởi EU sẽ phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp do không nhập từ Nga”, bà Trang chia sẻ.

Cùng phản ánh những khó khăn về nhập khẩu gỗ nguyên liệu, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland – công ty nhập khẩu gỗ Nga lớn nhất Việt Nam, đặt vấn đề doanh nghiệp cần bàn với đối tác thay thế các loại gỗ có xuất xứ từ Nga bằng các loại gỗ rừng trồng, như thay thế gỗ sồi bằng gỗ keo. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất.

“Việt Nam có lợi thế là có lượng gỗ từ rừng trồng đang cung ứng khá tốt với sản lượng lớn. Trong tình hình bất ổn như hiện nay, việc duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn cung gỗ nội địa cả về lượng và chất sẽ là chỗ dựa tốt cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam”, ông Bằng nêu ý kiến.

Trước tình hình Nga dừng xuất khẩu gỗ khiến cạnh tranh gỗ nguyên liệu căng thẳng, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam khuyến nghị, gỗ từ Nga chủ yếu là gỗ bạch dương với sản phẩm chế biến là tủ bếp, tủ nhà tắm… Bối cảnh hiện nay mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu về tỷ lệ sử dụng gỗ của Nga khi xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu.

“Đây cũng là lý do để doanh nghiệp đề nghị khách hàng chuyển sang sử dụng gỗ rừng trồng trong nước thay thế gỗ nhập khẩu, việc này cũng vừa để giảm chi phí. Bản thân doanh nghiệp của tôi cũng đã thay thế gỗ bạch dương bằng gỗ cao su từ lâu”, Chủ tịch VIFOREST lưu ý.

Để làm được điều này đòi hỏi nỗ lực chung của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng. “Đồng thời Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng, trong đó, bao gồm việc đa dạng hóa các loài gỗ rừng trồng trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về các loài sử dụng trong chế biến”, ông Lập đề xuất.

Tin liên quan

Đọc tiếp