Doanh nghiệp kêu thiếu vốn, kiến nghị không 'siết chặt' tín dụng

TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP
13:01 - 11/08/2022
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu tại Hội nghị sáng 11/8. Ảnh: VGP
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu tại Hội nghị sáng 11/8. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu "hụt hơi", chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị không siết chặt tín dụng nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp các doanh nghiệp sáng 11/8, hàng loạt doanh nghiệp đã đăng đàn trình bày những khó khăn họ đang đối diện và kiến nghị lên Thủ tướng các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những vướng mắc chính sách.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, 7 tháng đầu năm xuất khẩu ngành thủy sản đạt đến 6,7 tỷ USD và dự kiến lần đầu tiên sẽ vượt mốc 10 tỷ USD về xuất khẩu thủy sản trong cả năm.

Để đạt được điều này, ông Nam cho hay quan trọng là do Việt Nam đã duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ông Nam cũng nhận diện những nguy cơ trong thời gian tới.

Cụ thể, theo ông Nam: Dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, cơ hội của chúng ta còn không ít, nhưng để giành được điều đó trong bối cảnh phải phát triển bền vững và phải cạnh tranh với không ít quốc gia thì có một số thách thức đang tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của ngành hàng.

Trước hết đó là vấn đề chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Chi phí thức ăn chăn nuôi trung bình hiện nay, đặc biệt là sau dịch, đã tăng khoảng 20%. Giá thành thức ăn chăn nuôi của sản phẩm cá tra, tôm đang chiếm 65-70%, tác động chi phối rất lớn.

Thứ hai, chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong 2 năm qua với các lý do liên quan đến dịch, liên quan đến ách tắc và bây giờ liên quan đến giá nhiên liệu tăng, nên hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao. Cước đến Bờ Tây Mỹ hiện nay đang ở mức 400 triệu đồng cho một container, đến châu Âu cũng tăng đến 4 lần từ 10.000-12.000 USD. Điều này chi phối rất nhiều, đặc biệt với ngành đông lạnh của Việt Nam. Các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng.

Theo đó, ông Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thủy sản, đặc biệt là đối với giá thức ăn chăn nuôi.

Đối với tín dụng cho doanh nghiệp, ông Nam cho hay, tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10.

"Nghĩa là chúng ta sẽ tồn kho, chúng ta sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng (trong 1 tuần qua) đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân", ông Nam nói.

"Mong rằng Thủ tướng Chính phủ cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo giúp cho các vấn đề đang diễn ra trong 1 tuần qua.", Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam kiến nghị.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: VGP.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: VGP.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp - chủ tịch hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cũng cho biết doanh nghiệp xây dựng đối diện với tình trạng bão giá, vướng mắc pháp lý, nợ đọng và vốn.

Theo ông Hiệp, sau các đợt dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hưởng ứng tích cực chỉ đạo của Đảng và Chính phủ trong việc tham gia vào chương trình phục hồi kinh tế xã hội. Nên bước vào năm 2022, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng đều đẩy nhanh tốc độ sản xuất kinh doanh. Có những doanh nghiệp tăng trưởng gần 300% so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, với tình hình bão giá vật liệu xây dựng tăng cao đến 18-40% suốt từ 2021 đến nay, cộng với những khó khăn về nguồn nhân lực do hậu quả của Covid-19 và công việc về xây dựng cũng trở nên hạn hẹp, khó khăn do những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong đầu tư nên tình hình chung các doanh nghiệp xây dựng từ nay đến cuối năm vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Phần lớn doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự kiến chỉ đạt 80-90% kế hoạch đặt ra về doanh thu và sản lượng. Nhưng điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn

Theo ông Hiệp, có những công trình đầu tư công đã hoàn thành 2-3 năm nhưng chưa thanh toán cho nhà thầu hay các chủ đầu tư ngoài ngân sách cũng chây ì không thanh toán, có những dự án đã sử dụng 7 năm nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán.

Do đó, bên cạnh đề xuất giải pháp xử lý nợ đọng, ông Hiệp đề xuất Chính phủ ưu tiên về lãi suất đối với các doanh nghiệp xây dựng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - Ảnh: VGP
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - Ảnh: VGP

Với lĩnh vực bất động sản, phát biểu từ đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho biết thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, trầm lắng trong khi doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu “hụt hơi”, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu.

Cụ thể, cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, thị trường đã thích ứng và từng bước phục hồi trở lại nhưng cũng chỉ bằng 44% so với năm 2017 là năm đỉnh cao.

Đối với TP HCM, 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng, chỉ riêng lĩnh vực BĐS là tăng trưởng âm, giảm 5,62% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường BĐS có một số dấu hiệu đáng lo ngại, đó là tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân, người lao động. Nguồn nhà ở liên tục giảm từ năm 2018 đến nay. Năm 2020 chỉ bằng 39,2%, năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017.

Ông Châu dẫn số liệu, đơn cử nhà ở bình dân chỉ chiếm 1%, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2020 là 0%. Ngược lại nhà cao cấp năm 2021 chiếm 74% và 6 tháng đầu năm là 80,1%. Như vậy rất mất cân đối. Nhà ở xã hội chỉ đáp ứng 41% theo kế hoạch.

Công nhân lao động thuê nhà trọ, tiền thuê chiếm khoảng 20% thu nhập, hơn 60% công nhân chỉ có thu nhập vừa đủ sống. Công nhân lao động có thu nhập rất thấp chiếm 56,8%. Đây là điều đáng quan ngại, việc tiếp cận được nhà ở của công nhân là vấn đề rất lớn.

Theo ông Châu, tình trạng lệch pha về cung cầu và lệch pha về cung ứng thị trường dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm vừa qua, tính từ năm 2017. Hoạt động chuyển nhượng ách tắc, thị trường bất động sản hiện nay có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu. Riêng quý I/2022 và tháng 7/2022, doanh nghiệp BĐS không phát hành được trái phiếu nào.

Theo đó, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiến nghị một số giải pháp như: Thực hiện cơ chế hoán đổi các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại.

Ảnh tác giả

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu.

Ngoài ra, ông Châu cũng đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để chấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu để thị trường minh bạch, an toàn.

Đề nghị sửa đổi Khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở để bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đô thị nhà ở.

Tin liên quan

Đọc tiếp