Doanh nghiệp là động lực chuyển 'thách thức thành cơ hội' của tăng trưởng xanh

TĂNG TRƯỞNG xanh
11:37 - 11/10/2022
Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương: Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0.
Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương: Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, với vai trò vừa là chủ thể vừa là đối tượng của tăng trưởng xanh, doanh nghiệp đang trở thành lực lượng chính triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”, ngày 11/10, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngay sau khi Hội nghị COP26 ở Glasgow kết thúc năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 cùng nhiều chính sách nhằm giảm phát thải, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Lý do vì doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại hội thảo.

Doanh nghiệp chính là động lực chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là lực lượng triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 có nhiều thách thức, nhưng đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp.

Đáp ứng xu thế xanh hóa của thị trường thế giới

Phân tích sâu hơn về chuyển đổi xanh, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, nhiều tổ chức trong nước, quốc tế đưa ra những đánh giá rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 - 2023 và xa hơn.

“Nhưng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh thực tế, hơn ai hết, chính các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp xuất khẩu, đều nhận thấy rằng người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn các sản phẩm, dịch vụ xanh, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển chung của trái đất”, ông Phương nêu vấn đề.

Hiện châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế khác đã có các hàng rào thuế quan kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon. Nhất là đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng và khuyến khích quá trình khử cacbon trong sản xuất trong nước.

Thực tiễn này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung phải thay đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon từ các thị trường lớn, giữ vững vị thế trên thương trường quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu buộc Việt Nam phải nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế.

“Để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời bảo vệ được môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính trên GDP đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của Chính phủ, của các Bộ/ngành và sự hợp sức thực thi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Yêu cầu của thị trường thế giới về sản phẩm "xanh" ngày càng nhiều.

Yêu cầu của thị trường thế giới về sản phẩm "xanh" ngày càng nhiều.

Yêu cầu chuyển đổi công bằng

Đưa ra khuyến nghị cụ thể cho doanh nghiệp trong bối cảnh trên, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho rằng, việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển đổi việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải và tăng hấp thụ khí nhà kính.

Ông Tấn chỉ rõ, các vấn đề xã hội liên quan đến việc chuyển đổi là rất lớn và thế giới đã đưa ra đòi hỏi “Chuyển đổi công bằng” đối với quá trình này.

“Chuyển đổi công bằng nhằm đưa ra và thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền và sinh kế của người lao động khi nền kinh tế chuyển dần sang sản xuất bền vững, nhằm mục tiêu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học”, ông Tấn chia sẻ quan điểm.

Ông Tấn cũng cho biết, chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng “0” là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam. Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn.

Từ đó, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nêu rõ và nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần sẵn sàng, đặc biệt lưu ý chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính”.

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn

Ông Tấn cũng khuyến nghị thêm rằng doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị để tham gia thị trường carbon, hợp tác với các cơ quan chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn/hệ số phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình.

Tin liên quan

Đọc tiếp