Doanh nghiệp Nhật quan tâm đầu tư lĩnh vực năng lượng của Việt Nam

Hợp Tác NHẬT BẢN
15:15 - 25/08/2022
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Bộ Công Thương
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Bộ Công Thương
0:00 / 0:00
0:00
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, các công ty Chubu Electri Power, Sojitz và Amano Emzyme đề xuất về việc sản xuất điện năng tại khu công nghiệp ở Việt Nam và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm phê duyệt và ban hành Quy hoạch điện 8.

Chiều 24/8, tại Tokyo, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đồng tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, với sự tham gia thực hiện của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC).

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam luôn cam kết ủng hộ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư, Tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Nhiều lĩnh vực hợp tác triển vọng

Ông Kunihiko Hirabayashi, Tổng Thư ký Trung tâm AJC, thì mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam những công nghệ tiên tiến để cùng nhau xây dựng các hệ thống kinh tế tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững với môi trường.

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã giới thiệu về năng lực và nêu các đề xuất hợp tác mới. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam gợi ý phối hợp lắp đặt và vận hành các dự án điện gió cùng doanh nghiệp Nhật Bản.

Bà Phạm Châu Giang, Quản lý cấp cao Công ty TNHH Corporate Finance Việt Nam hy vọng doanh nghiệp sẽ được góp phần vào quá trình phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam trong tương lai và việc chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản là rất có ý nghĩa…

Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty Chubu Electri Power, Sojitz và Amano Emzyme đã nêu một số đề xuất về việc sản xuất điện năng tại các khu công nghiệp ở Việt Nam, phát triển thị trường cho các sản phẩm enzyme… Các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét các cơ chế về điện áp mái, sớm phê duyệt và ban hành Quy hoạch điện 8, hoàn thiện cơ chế ban hành mua bán điện trực tiếp…

Kết luận tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định các ý kiến đã nêu được mong muốn và tiềm năng hợp tác, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản để hiện thực hoá các nội dung đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Việt Nam có định hướng rất rõ ràng trong 10 - 15 năm tới sẽ tập trung tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, tập trung chế biến sâu về nông sản, thực phẩm phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp nền tảng. Đây là những lĩnh vực có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Trong chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đã tuyên bố tại Hội nghị COP 26 sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản và một số nước nên đây là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng để phát triển hợp lý các lĩnh vực điện sinh khối, điện khí…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã giải thích cặn kẽ các vấn đề về Quy hoạch điện 8, mua bán điện trực tiếp, cơ chế điện áp mái… và nhu cầu hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao của Việt Nam tới các doanh nghiệp Nhật Bản.

Lễ trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Marubeni. Ảnh: Bộ Công Thương

Lễ trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Marubeni. Ảnh: Bộ Công Thương

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Marubeni về hợp tác với 3 chủ đề chính, gồm tham gia chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ danh mục các dự án điện tái tạo của T&T; tham gia thị trường mua bán chứng chỉ giảm phát thải carbon; và cùng nghiên cứu, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt.

Tin liên quan

Đọc tiếp