Doanh nghiệp nữ chịu nhiều thách thức không cân xứng trong thương mại điện tử

TMĐT DOANH NGHIỆP
07:00 - 20/01/2022
Doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất trong các hoạt động kêu gọi tài trợ thương mại. Ảnh: Internet
Doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất trong các hoạt động kêu gọi tài trợ thương mại. Ảnh: Internet
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, thương mại điện tử là yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại của các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực, tuy nhiên các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang gặp nhiều rào cản trong việc vận hành phương thức này.

Tại hội thảo Hỗ trợ doanh nghiệp nữ Việt Nam trong thương mại điện tử, ngày 19/1, bà Shamarukh Mohiuddin, Cố vấn khu vực tư nhân của Dự án tăng trưởng Kinh tế ở Châu Á (US-SEGA) cho biết, nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng và APEC cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (MSME) tận dụng các cơ hội.

Phụ nữ trong khu vực kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã và đang tận dụng các cơ hội thương mại điện tử trong nước, nhưng vẫn còn ít đại diện trong thương mại điện tử xuyên biên giới ở một số nền kinh tế.

Doanh số thương mại điện tử toàn cầu khoảng 3,6 nghìn tỷ đô la vào năm 2019, và Châu Á -Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, thành công trong thương mại điện tử là yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại của các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực.

Theo bà Shamarukh Mohiuddin, các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong thương mại điện tử xuyên biên giới. Bao gồm, các vấn đề hậu cần, các quy định kỹ thuật số, tiếp cận tài trợ thương mại…

“Phụ nữ sở hữu 50% doanh nghiệp siêu nhỏ và 59% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Đông Á và Thái Bình Dương. Khi các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng nhỏ hơn, họ phải đối mặt với những thách thức thương mại điện tử xuyên biên giới một cách không cân xứng”, bà Shamarukh Mohiuddin nói.

Cố vấn khu vực tư nhân của US-SEGA cho rằng 2 loại rào cản chính mà các doanh nghiệp nữ thường gặp phải là việc tạo môi trường thuận lợi và các rào cản cụ thể về thương mại điện tử.

Từ đó, bà Shamarukh Mohiuddin chỉ ra hàng loạt thách thức trong thương mại điện tử qua biên giới đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Thách thức đầu tiên bà Shamarukh Mohiuddin đề cập đến là khó khăn trong tài trợ thương mại. Các MSME do phụ nữ làm chủ có nhiều khả năng bị từ chối tài trợ, ít có các mối quan hệ ngân hàng mạnh mẽ và nhận được các tài liệu tài chính chuyên sâu.

Kiến thức kỹ thuật số và thanh toán điện tử được cho là thách thức tiếp theo của các doanh nghiệp nữ khi ít phụ nữ hơn nam giới tiếp cận hoặc sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Phụ nữ thường thiếu kỹ năng và sự tự tin để sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số.

Trong khi một số quốc gia có các trang web cung cấp thông tin hướng đến mục tiêu cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thì ở một số quốc gia khác, các trang web của chính phủ khó điều hướng hơn cho người tìm kiếm thông tin nhất là về cách xuất khẩu.

Theo bà Shamarukh Mohiuddin, phụ nữ còn có thể gặp phải định kiến về giới khi bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, nơi phụ nữ không chỉ nhận được số lượng giá thầu trực tuyến thấp hơn mà còn kiếm được ít tiền hơn khi bán cùng một sản phẩm như nam giới.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, các nhà môi giới hải quan thích giao dịch với các chủ doanh nghiệp nam, và các chủ doanh nghiệp nữ dễ bị tiếp xúc với tham nhũng hơn.

Vấn đề an toàn và bảo mật cũng khiến phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối trực tuyến cao hơn hai lần so với nam giới khi sử dụng thương mại điện tử.

DN Việt do phụ nữ làm chủ gặp khó khăn nhiều nhất về tìm kiếm khách hàng

Số liệu của Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VAWE) cho thấy có 242.326 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ/tổng số 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc (tính đến 31/12/2020). Số liệu từ điều tra doanh nghiệp PCI 2020: Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là 23.4 % Tỷ lệ này năm 2019 là 22.7%.

Trong đó, doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm 90.7% và quy mô lớn chiếm 2.2%. Lĩnh vực hoạt động của đa số doanh nghiệp nữ là thương mại dịch vụ chiếm 70.8%, chủ yếu xuất phát từ hộ kinh doanh, khách hàng chính là thị trường trong nước.

Cùng với những thách thức chung của các doanh nghiệp nữ thế giới, các doanh nghiệp nữ Việt Nam gặp 3 rào cản lớn như khó khăn khi tìm kiếm khách hàng (64,3%), càng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ về vốn, lao động và mới thành lập càng gặp khó khăn nhiều nhất.

Bên cạnh đó là rào cản về tiếp cận vốn tín dụng (34,1%), các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ khó tiếp cận vốn vay tín dụng nhất. Thứ ba là rào cản về biến động của thị trường (33,7%).

Ngoài ra, còn có các rào cản khác về ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh; năng lực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; hiểu biết về thương mại điện tử và các vấn đề liên quan (pháp lý, hải quan, logistics, thanh toán quốc tế, kiểm soát tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm; lựa chọn giải pháp và các sàn thương mại uy tín phù hợp với doanh nghiệp...); chi phí và nguồn lực con người, thời gian.

Để khắc phục những khó khăn cho các doanh nghiệp nữ trong kinh doanh thương mại điện tử, VAWE đưa ra khuyến nghị hoàn thiện hệ thống pháp lý về thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó có xem xét đến chính sách và chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nữ; tạo thêm chương trình, giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tham gia vào thương mại điện tử.

VAWE nhấn mạnh cần nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về thương mại điện tử, kiến thức kỹ năng cần thiết khi doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới với những chia sẻ bài học, kinh nghiệm.

VAWE cũng nêu ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp nữ cần tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó những hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp cách thức lựa chọn và tham gia hiệu quả vào các sàn thương mại điện tử.

Đưa ra giải pháp tài chính toàn diện cho các doanh nghiệp nữ, ông Nguyễn Cảnh Hùng, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp SeA BANK cho biết, ngân hàng sẽ triển khai các gói sản phẩm dành riêng cho doanh nghiệp do nữ làm chủ: chương trình lãi suất, chương trình ưu đãi lãi suất siêu tốc và ưu đãi xuất nhập khẩu, các chương trình đào tạo, hội thảo… tổng giá trị lên đến 130 triệu USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.